Cú hích giảm nghèo ở Lào Cai
Góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020 đạt kết quả cao. Tiêu biểu ở vùng núi cao Bắc Hà là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Trước năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đạt 54% nên đã được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và NHCSXH ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn chính sách, tạo ra cú hích quan trọng thúc đẩy vùng cao biên cương vươn lên giảm nghèo.
Bí thư Huyện ủy Bắc Hà Nguyễn Duy Hòa cho biết: Thời gian qua, địa phương đã tập trung huy động các nguồn lực, lồng ghép các chương trình dự án 135, 30a, xây dựng nông thôn mới với nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, 86 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách đã kịp thời chuyển tận tay gần 5 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nâng tổng nguồn vốn chính sách toàn địa bàn lên 337 tỷ đồng.
Nguồn vốn đã hỗ trợ cho hầu hết hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS khó khăn kịp vào vụ sản xuất. Đơn cử gia đình bà Tráng Thị Lan ở thôn Na Hối Tày, xã Na Hối nhờ có 50 triệu đồng vốn vay của NHCSXH huyện Bắc Hà nên đã chủ động xây dựng mô hình chăn nuôi trồng trọt tổng hợp. Đến nay, có hơn 2ha mận tam hoa, lê vỏ đỏ, quả sai trĩu cành và đàn trâu, bò 15 con béo khỏe, thu nhập gần trăm triệu đồng/năm.
Không chỉ riêng gia đình bà Lan, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực giúp hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng… trên vùng biên cương Lào Cai phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống, thoát cảnh khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm nhanh, còn 5,22%/năm, trong đó các huyện nghèo (Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai) bình quân giảm 8,6%/năm.
Tranh thủ mọi nguồn lực
Giám đốc NHCSXH tỉnh Lào Cai Nguyễn Hải Hà chia sẻ: Thời gian qua, mặc dù dịch bệnh COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, song NHCSXH từ tỉnh đến huyện vẫn chủ động thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa tăng cường phòng, chống dịch tốt vừa nỗ lực huy động nguồn lực, truyền tải nguồn vốn về tận vùng khó khăn, đến tận tay hộ nghèo để phát triển sản xuất ổn định cuộc sống.
Với việc khẩn trương tiếp nhận nguồn vốn Trung ương cấp, NHCSXH tỉnh Lào Cai đã tranh thủ khai thác, huy động các nguồn lực tài chính từ vốn ngân sách của UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc, thông qua hệ thống 164 Điểm giao dịch xã và mạng lưới 2.319 Tổ tiết kiệm và vay vốn, được 3.308 tỷ đồng (tính đến ngày 30/6/2021) tăng 173 tỷ đồng so với năm 2020. Đặc biệt, sau 6 năm đưa Chỉ thị 40-CT/TW vào cuộc sống, nguồn vốn ngân sách bổ sung cho vay các chương trình tín dụng chính sách của địa phương là gần 200 tỷ đồng.
Toàn bộ nguồn vốn huy động được đã được những cán bộ tín dụng chính sách nơi biên cương chuyển tải kịp thời về các vùng sâu, vùng xa, đến từng hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS khó khăn. Cùng với đó, thường xuyên bám bản, sát dân, triển khai hiệu quả các chính sách, quyết định mới về tín dụng chính sách như việc nâng mức vay, kéo dài thời hạn vay đối với hộ nghèo, hộ tái nghèo hay ưu tiên về lãi suất vay đối với các hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, gia hạn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, dịch bệnh. Hiện nay, NHCSXH tỉnh Lào Cai đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về việc cho vay đối với người sử dụng lao động trả lương ngưng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19.
Cùng với việc tập trung huy động tạo lập nguồn vốn, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, củng cố chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, NHCSXH tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong dân cư, giúp người nghèo nhận thức được mục đích, nội dung, ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Từ đó, giúp cho công tác quản lý, điều hành hoạt động tín dụng chính sách được sâu sát, thiết thực hơn và xuất hiện thêm nhiều gương người tốt - việc tốt, những mô hình sản suất giỏi nhờ sử dụng đồng vốn chính sách.
Bài và ảnh Minh Dư
Các tin bài khác
- » Lao động vỡ òa, doanh nghiệp bớt gánh nặng
- » Bắc Giang ký kết hợp đồng tín dụng cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất
- » Nghệ An đầu tiên được giải ngân vốn vay theo Nghị quyết 68
- » Lâm Đồng giải ngân cho doanh nghiệp đầu tiên vay vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất
- » Lào Cai giải ngân vốn vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất
- » Bắc Ninh ký kết hợp đồng tín dụng cho vay trả lương ngừng việc cho người lao động do dịch COVID-19
- » Quảng Bình giải ngân cho các doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất
- » Quảng Trị giải ngân gói cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất do ảnh hưởng COVID-19
- » Hưng Yên ký kết hợp đồng tín dụng cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất
- » Hậu Giang giải ngân cho vay trả lương ngừng việc cho người lao động do dịch COVID-19