Chuyển động mới về tín dụng chính sách ở Sơn La

17/06/2021
(VBSP News) Điểm thuận lợi nhất trong giai đoạn hiện nay là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời, chỉ đạo sát sao, quyết liệt việc tập trung huy động nguồn lực lớn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước thông qua NHCSXH.

NHCSXH tỉnh Sơn La giao dịch tại Điểm giao dịch xã

NHCSXH tỉnh Sơn La giao dịch tại Điểm giao dịch xã

Giám đốc NHCSXH tỉnh Sơn La Hoàng Xuân Trường cho biết: NHCSXH tỉnh được bố trí nguồn vốn trong kế hoạch và bổ sung vốn ngân sách sang địa phương, tạo tiền đề cho tăng trưởng nguồn vốn ổn định, cũng như nâng cao năng lực hoạt động. Tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Sơn La, đến ngày 31/5/2021 đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng 316 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Trong đó, nguồn vốn Trung ương chuyển về hơn 4.309 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương ủy thác đạt 145 tỷ đồng.

Có nguồn vốn lớn, có mô hình tổ chức phù hợp, cùng với mạng lưới Điểm giao dịch trải khắp toàn tỉnh xuống tận các xã và hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bản được ví như “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong việc thực hiện tín dụng chính sách, không chỉ góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng mà còn giúp cho NHCSXH tỉnh chủ động thực thi nhiệm vụ cao cả đồng hành với người dân trên con đường giảm nghèo.

Thông qua phương thức cho vay trực tiếp, có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, NHCSXH tỉnh Sơn La đã giúp gần 16 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện chủ động SXKD, tăng thu nhập, tạo việc làm mới, xây dựng công trình nước sạch, nhà ở vững chắc.

Cụ thể, chăn nuôi được 21 nghìn con trâu, bò; mở rộng, thâm canh 15.637ha vườn cây ăn quả đặc sản như xoài, chanh leo lòng vàng, thanh long ruột đỏ; đặc biệt, khai hoang, phục hóa 610ha ruộng nước, 600ha ruộng bậc thang, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt hướng lạc, nuôi cá lồng bè ở các xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 30,44% năm 2016 xuống còn 18,7% năm 2020. Hai huyện vùng cao là Phù Yên, Quỳnh Nhai thoát ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a cũng có sự góp phần tích cực của nguồn vốn chính sách.

Ở xã biên giới Nậm Lanh của huyện Sốp Cộp, trước đây, đói, nghèo là “bạn lưu niên” của người Mông, người Dao. Để thực hiện công tác giảm nghèo có hiệu quả, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền để nhân dân nhận thức rõ và đúng về chính sách ưu đãi giảm nghèo của Đảng, Chính phủ; từ đó, giúp hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS khó khăn mạnh dạn vay vốn chính sách, sử dụng vốn vay cải tạo 124ha đất đồi  trồng cây ăn quả và xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc trên 4.300 con.

Chủ tịch UBND xã Tòng Văn Yêm cho biết: Trước đây, người dân xã chủ yếu trồng sắn, ngô, đời sống khó khăn. Từ khi được tuyên truyền, nhất là được vay 30 tỷ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH để đầu tư phát triển sản xuất thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nên đời sống nhân dân có nhiều đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,64%.

Ở xã Tân Lập nằm trên vành đai biên giới Việt Lào của huyện Mộc Châu, đồng bào các dân tộc đã đoàn kết tham gia phong trào vay vốn, sử dụng vốn tín dụng chính sách vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lập vườn cây ăn quả đặc sản như cam Vinh, mận Hậu, phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Một số gia đình sử dụng vốn chính sách làm ăn phát đạt, với mức thu nhập 200 triệu đồng/năm. Chủ tịch UBND xã Tân Lập Vàng A Thào cho biết: Toàn xã có 92% nhà ở của dân được xây mới, vững bền; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 10%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 28 triệu đồng/người/năm. Tất cả nhờ công sức đóng góp thiết thực và to lớn của NHCSXH tỉnh.

NHCSXH tỉnh Sơn La đã và đang đồng hành, tiếp sức cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư vào SXKD, mở hướng thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng; đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chỉ Chỉ thị 40-CT/TW, đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực, tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19, khẩn trương chuyển tải đầy đủ nguồn vốn về các vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần tích cực thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội.

Bài và ảnh Đông Dư

Các tin bài khác