92 NĂM THÀNH LẬP ĐẢNG: Đảng viên gương mẫu, niềm tự hào của bà con bản Đề Sủa

02/02/2022
(VBSP News) Nhờ kịp thời thay đổi cung cách làm ăn, dám mạnh dạn vay vốn chính sách, đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, chăm chỉ sáng tạo trong lao động sản xuất, khéo léo kết hợp giữa chăn nuôi với trồng trọt, từ một hộ nghèo khó, sau 3 năm gia đình Sùng A Khua đã thoát nghèo, từ năm 2015 cuộc sống gia đình đã khá giả tươm tất và năm 2017 đến nay giấc mơ làm giàu của gia đình A Khua đã trở thành hiện thực - là hộ có thu nhập cao nhất nhì bản và một số bản lân cận.
image001

Máy thái rau cỏ do bố con A Khua sáng chế

Lên chức ông nhưng cái nghèo vẫn đeo bám

Như bao gia đình người dân tộc Mông khác, Sùng A Khua sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng núi cao chót vót và hiểm trở thuộc bản Đề Sủa, cả xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải. Cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nên ngay từ khi còn rất nhỏ, tuổi thơ cậu bé đã quen với việc theo chân bố mẹ đi làm nương rẫy. Cho đến năm 2007, khi ấy Sùng A Khua 42 tuổi và đã lên chức ông nội, ông ngoại được dăm năm rồi, nhưng cái nghèo vẫn cứ mãi đeo bám cả gia đình.

Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, A Khua tự hỏi: Cả nhà có 5 - 7 lao động mạnh khỏe, làm lụng quần quật quanh năm, cấy lúa, tra ngô, trồng khoai, sắn… từ mờ sáng đến tối muộn mà sao vẫn nghèo? Cần làm gì để phát triển kinh tế? Phải bắt đầu từ đâu?… Rất nhiều câu hỏi xuất hiện trong đầu, như đám mây đen ùn ùn kéo tới lúc trời chuẩn bị mưa, làm cho A Khua suốt bao đêm dài chẳng thể nào ngon giấc?!

Vào những ngày nắng đẹp đầu năm 2007, cán bộ NHCSXH - đã nhiều lần về tận bản phổ biến cho bà con cách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Như thấu hiểu nỗi lòng trăn trở của người Mông, cán bộ còn hướng dẫn bà con nên đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm là cách làm cho hiệu quả cao nhất và an toàn nhất. Sùng A Khua và nhiều hộ trong bản mừng lắm vì đã tìm ra câu trả lời cho bài toán phát triển kinh tế của gia đình.

Nhớ lại lời cán bộ: “Muốn thoát nghèo thì không có cách nào khác là bà con phải đổi mới cung cách làm ăn, không thể mãi độc canh cây lúa mà phải kết hợp giữa mở rộng chăn nuôi và thâm canh trồng trọt; sản xuất ra nhiều nông sản mang đặc trưng địa phương như lợn bản, dê, gà đen, vịt… mang ra chợ bán thì mới được giá, nguồn thu sẽ ổn định lâu dài”. Về nhà càng ngẫm nghĩ, A Khua càng thấy đúng, bởi đây là cách làm phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng và tập quán của địa phương.

Tìm ra lời giải cho bài toán thoát nghèo, vươn lên làm giàu

Sau khi bàn bạc tính toán kỹ càng, tháng 7/2007 vợ chồng ông mạnh dạn lên NHCSXH huyện làm thủ tục vay 5 triệu đồng để chăn nuôi dê. Với 5 con dê nái và 01 con dê đực ban đầu, vừa làm ông vừa tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên sách báo và các hộ chăn nuôi dê khác, tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức. Không phụ công chăm sóc của cả gia đình ông, đàn dê khỏe mạnh, sinh sản tốt. Trong 3 năm, đàn dê đã đẻ được hơn 20 con, mang lại cho gia đình gần 30 triệu đồng, đưa gia đình ra khỏi diện hộ nghèo vào năm 2010.

Tín hiệu thành công của mô hình nuôi dê khiến cả nhà anh mừng lắm, Sùng A Khua quyết định dùng toàn bộ số tiền tích góp từ bán dê có được sau khi đã trả hết cả gốc và lãi khoản vay ban đầu, đồng thời vay NHCSXH thêm 25 triệu đồng mở rộng đầu tư sang chăn nuôi lợn và trâu, bò sinh sản kết hợp lấy sức cày kéo để sản xuất nông nghiệp trên diện tích ruộng, nương mà gia đình hiện có 2ha.

Có vốn trong tay, trong năm 2010 vợ chồng A Khua dựng thêm chuồng trại, trồng cỏ voi trên nương và đất trống quanh nhà, mua 2 con trâu nái, 2 con bê và mấy con lợn để sinh sản. Nhận thấy việc thái nhỏ cỏ để gia súc ăn mất rất nhiều thời gian, A Khua cùng con trai vừa học Cao đẳng ra trường đã tìm tòi, nghiên cứu sáng chế ra được cái máy thái cỏ, làm cho công việc chăn nuôi thuận lợi hơn. Chiếc máy cắt rau, cỏ giờ đây đã được A Khua chuyển giao kỹ thuật cho nhiều hộ gia đình trong bản, trong xã làm theo để giải phóng sức lao động trong chăn nuôi cho bà con.

Để có đủ nguồn thức ăn hằng ngày cho trâu bò, anh đã tìm hiểu kỹ thuật trồng cỏ, làm theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên diện tích trồng cỏ của gia đình anh mọc rất đều, luôn tươi tốt quanh năm. Anh cho biết: Nuôi bò nhốt chuồng không khó, tránh được gió, rét, vệ sinh chuồng tốt nên đàn bò lớn nhanh, khỏe mạnh. Ngoài ra anh còn trồng thêm sắn, ngô để bổ sung thức ăn cho gia súc, gia cầm, vừa giảm chi phí đầu tư trong chăn nuôi vừa chủ động thêm thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại an toàn trong chăn nuôi và chất lượng con thịt xuất bán thơm ngon.

Nhờ luôn chủ động phòng bệnh và luôn chú ý tiết kiệm để mở rộng chăn nuôi, nên chỉ sau mấy năm gia đình A Khua lúc nào cũng có 8 - 10 con trâu, bò nuôi nhốt. Sùng A Khua thật thà chia sẻ: So với vật nuôi khác thì nuôi trâu bò chăm sóc dễ hơn, ít bệnh tật, thức ăn chủ yếu là cỏ ngoài đồng cắt về nên chi phí thấp, giá bán lại cao; chỉ 5 - 6 tháng nuôi vỗ béo đã có lãi 7 - 8 triệu đồng/con, trừ chi phí mỗi năm thu nhập bình quân từ chăn nuôi trâu bò là 30 triệu đồng.

Bên cạnh đó, đàn lợn cũng sinh trưởng tốt, năm nào cũng mang về nguồn thu 20 - 30 triệu đồng từ xuất bán 4 - 5 tạ lợn thịt và hàng chục con lợn giống. Có được thu nhập ổn định, tương đối cao từ chăn nuôi trâu bò và lợn, cuộc sống gia đình A Khua từng bước được cải thiện và dư dả.

Trở thành hộ có thu nhập cao nhất nhì bản

Thấy cơ hội làm giàu đang mở ra thuận lợi, năm 2015 vợ chồng anh dồn toàn bộ số tiền lãi từ chăn nuôi trâu bò, lợn và vay thêm NHCSXH 50 triệu đồng để đầu tư chuồng trại nuôi vịt siêu trứng, nuôi ngan, gà thương phẩm, gà đẻ trứng và ấp nở ngan, gà gống bán ra thị trường; đồng thời tạo thêm việc làm cho con cháu. A Khua nhẩm tính: Với hơn 1.000 con vịt đẻ, gà, ngan các loại, 3 năm nay, đều đặn mỗi ngày nhà mình thu được 700 - 800 ngàn đồng tiền trứng, tính cả năm thu ngót 300 triệu đồng. Nếu cộng thêm các khoản thu từ trâu, bò, lợn, gà ngan thương phẩm và bán giống, thu hái các loại cây ăn quả như chuối, mận, sơn tra… thì cũng được 400 - 450 triệu đồng/năm; không kể công lao động, trừ mọi chi phí về giống, thức ăn… mỗi năm cũng lãi được 250 - 300 triệu đồng.

Sùng A Khua tự hào nói, kinh tế gia đình mình giờ đã có của ăn của để, làm được ngôi nhà to rộng chắc chắn đầy đủ tiện nghi, có 03 xe máy và 01 xe ô tô tải để chở hàng hóa của gia đình đi bán. Năm 2020, gia đình ông vay vốn chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp gồm trâu bò sinh sản và gà đen địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao.

Chia sẻ về những kinh nghiệm làm ăn của mình, Sùng A Khua cho biết, là người nông dân làm cái gì cũng phải cần cù, chịu khó, tiết kiệm, phải tìm những cây con giống phù hợp với điều kiện tự nhiên thổ nhưỡng của địa phương. Đặc biệt, cần bỏ suy nghĩ bảo thủ, dám tiếp thu những hướng dẫn của cán bộ tín dụng, khuyến nông…, dám mạnh dạn vay nguồn vốn tín dụng chính sách lãi suất thấp, thời gian dài để đầu tư vào phát triển chăn nuôi mới có thể cải thiện được đời sống cho chính gia đình mình.

Với tinh thần quyết tâm vươn lên không cam chịu đói nghèo, từ năm 2010 đến nay gia đình Sùng A Khua luôn là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hộ gia đình văn hóa tiêu biểu được các cơ quan cấp tỉnh, huyện biểu dương khen thưởng. Là đảng viên gương mẫu, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn của bản, A Khua đến từng nhà động viên hướng dẫn bà con cách làm kinh tế cho hiệu quả, đoàn kết cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng thôn bản ấm no, sạch đẹp.

Dịp cuối năm này về thăm bản Đề Sủa, xã Lao Chải, trong mỗi bữa cơm mừng thành quả cả năm vất vả lao động, bà con đều nhắc đến hộ Sùng A Khua với niềm tự hào và lấy đó là tấm gương để học hỏi, phấn đấu vươn lên trong lao động sản xuất, phát triển chăn nuôi, có được đời sống sung túc đủ đầy từ chính bàn tay khối óc mình làm ra.

Bài và ảnh Thúy Quỳnh

Các tin bài khác