Hỗ trợ nguồn vốn, tạo sinh kế cho lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19
Qua khảo sát cho thấy, nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế của lao động hồi hương do ảnh hưởng COVID-19 trên địa bàn huyện rất nhiều. Để đáp ứng nhu cầu đó, trong năm 2022, cùng với các cấp ban ngành, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nghĩa Đàn dự kiến sẽ giải ngân 45 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như lao động gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tạo nguồn vốn sinh kế, để sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Giám đốc Lê Hồng Tuyên cho biết, đơn vị đang tích cực thực hiện Nghị quyết 11-NQ/CP của Thủ tướng Chính phủ về việc kích cầu cho vay hậu COVID-19 một cách nhanh nhất để nguồn vốn ưu đãi này đến nhanh chóng, kịp thời đến các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Anh Lê Văn Hùng ở xóm Thái Thịnh, xã Nghĩa Lợi là lao động cho một công ty sản xuất nội thất ô tô ở Hải Phòng nhiều năm. Tuy nhiên, 2 năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, anh phải trở về địa phương và chịu cảnh thất nghiệp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhờ nguồn vốn chính sách, anh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để đầu tư chuồng trại phát triển chăn nuôi bò. Sau 2 năm, cặp bò đã cho sinh sản và mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Anh Lê Văn Hùng chia sẻ: “NHCSXH đã có nguồn vốn hỗ trợ tạo cho những người làm ăn xa về tạo chúng tôi có nguồn vốn vừa sản xuất vừa chăn nuôi giúp ổn định kinh tế gia đình”.
Qua kênh Hội Nông dân xã Nghĩa Lợi, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân 15 tỷ đồng giúp cho hội viên nông dân xã vay vốn đầu tư sản xuất vươn lên thoát nghèo, trong đó có nhiều lao động hồi hương bị ảnh hưởng COVID-19. Chủ tịch Hội Nông dân xã Lô Quang Hòa cho biết: “Được sự quan tâm của NHCSXH tạo điều kiện cho hội viên nông dân của xã phát triển kinh tế trồng trọt và chăn nuôi. Với nguồn vốn vay của NHCSXH đã đầu tư vào chăn nuôi đặc biêt là chăn nuôi hộ, phát triển trồng rừng rất hiệu quả ở xã Nghĩa Lợi. Qua nguồn vốn thấy được nhu cầu rất lớn của bà con nông dân”.
Gia đình anh Lê Đình Dương và chị Nguyễn Thị Yến ở xóm Cầu xã Nghĩa Thọ, trước đây thuộc diện hộ nghèo, vợ phải đi làm công nhân ở khu vực miền Bắc, chồng ở nhà đi làm thuê, cuộc sống vất vả không ổn định, nhất là chị Yến bị ảnh hưởng COVID-19 không có việc làm. Khi được tiếp cận nguồn vốn vay NHCSXH, gia đình anh Dương mạnh dạn vay 50 triệu đồng để đầu tư trồng quýt, trồng cam với diện tích khoảng 1ha. Sau một thời gian, gia đình anh đã có thu nhập, từ 150 triệu đồng/năm. Không chỉ trả nợ mà gia đình anh thoát nghèo. Hiện nay, hai vợ chồng tập trung chăm sóc vườn cây ăn quả đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Hiện nay, trên địa bàn huyện, số lao động hồi hương do COVID-19 ngày càng nhiều. Sau khi dịch đã được kiểm soát, một số lao động tiếp tục chọn xuất khẩu hoặc làm công nhân cho các công ty nhưng cũng có một số lao động chọn ở lại địa phương. Huyện Nghĩa Đàn cũng tạo điều kiện cho lao động được học nghề, tập huấn cùng với việc hỗ trợ nguồn vốn kịp thời của NHCSXH tạo cho người lao động có cơ hội việc làm, khắc phục khó khăn ổn định cuộc sống sau thời gian dịch kéo dài.
Minh Thái - Bích Hằng
Các tin bài khác
- » Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi ở Ba Bể
- » Tây Ninh: Hơn 51 tỷ đồng hỗ trợ vốn cho người nghèo
- » “Đòn bẩy” giảm nghèo bền vững
- » Vốn về với bản, với dân
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Người bạn đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế
- » Giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách
- » Trao vốn ưu đãi kịp thời, nông dân Đà Nẵng vươn lên làm giàu
- » Hiệu quả từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm
- » “Bà đỡ” giúp nông dân thoát nghèo, làm giàu