Trao vốn ưu đãi kịp thời, nông dân Đà Nẵng vươn lên làm giàu

12/04/2022
(VBSP News) Thời gian qua, nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH mà nhiều hộ gia đình nông dân trên địa bàn huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) có điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt ổn định đời sống.
z33249684267801b183d0ba63713c50a07ee7973c08825-1649495079667909602969-16494976638921179866328

Nguồn vốn tín dụng chính sách “bệ phóng” để nông dân Hòa Vang đổi đời

“Bệ phóng” cho nông dân đổi đời
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang, Đoàn Ngọc Cẩm cho biết: Từ khi thành lập đến nay, đơn vị luôn bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hòa Vang để tiếp vốn cho người dân nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đặc biệt là các mô hình kinh tế hộ cá thể, kinh tế trang trại, gia trại… Việc được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi kịp thời đã giúp cho nông dân mạnh dạn mở rộng quy mô, phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó, đã giúp cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện có cuộc sống ổn định, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.
Những năm qua, được nguồn vốn ưu đãi tiếp sức mà phong trào nuôi cá nước ngọt trên địa bàn huyện Hòa Vang phát triển rất mạnh mẽ. Chúng tôi cùng cán bộ NHCSXH đến thăm mô hình nuôi cá nước ngọt của ông Đinh Ngọc Phương ở thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Ông Phương cho biết, trước đây vợ chồng ông làm lao động phổ thông, thu nhập chỉ đủ để sống qua ngày, trong khi con cái đang tuổi ăn tuổi học. Ông suy nghĩ, nếu cứ đi làm thuê cho người ta miết thì chẳng khá giả gì, từ đó ông đã bàn với vợ tìm hướng mới phát triển kinh tế cho gia đình.
Nhận thấy mô hình nuôi cá nước ngọt trên địa bàn huyện Hòa Vang khá hiệu quả, lại không quá xa lạ gì đối với ông nên ông Phương đã quyết định chọn mô hình nuôi cá nước ngọt để khởi nghiệp. Năm 2013, từ nguồn vốn tích góp và vay thêm của NHCSXH được 30 triệu đồng, ông đã bắt đầu xây dựng mô hình nuôi cá nước ngọt, chủ yếu là cá trê. Ban đầu do vốn ít, nên ông chỉ nuôi 1 ao với diện tích 200m², trang trại nuôi cá ngày càng phát triển ổn định, cho năng suất. Mô hình phát huy hiệu quả ông đã lấy số tiền lãi thu được để mở rộng quy mô trang trại.
Mô hình nuôi cá nước ngọt này rất hiệu quả, sau khoảng hơn 6 tháng nuôi, bình quân ở mỗi ao nuôi, người dân có thể thu lãi 35 - 40 triệu đồng. Giá bán cá trê trên thị trường hiện nay dao động khoảng 19 triệu đồng/tấn. Tùy theo kích cỡ của cá trê khi thu hoạch, giá bán ra có thể sẽ cao hơn. Cá trê là loài cá hấu ăn, thức ăn rất dễ kiếm, ngoài bột cá, người nuôi có thể bổ sung thêm giun, ốc, tôm, cua, cá… Ngoài ra, trong điều kiện ao nuôi còn có thể cho cá ăn các phụ phế phẩm nông nghiệp như cám, tấm, rau…
Đến nay, ông đã có 5 ao nuôi cá trê, với diện tích hơn 1.300m². Hiện nay, mỗi năm ông xuất bán ra thị trường hơn 35 tấn cá trê, cho doanh thu khoảng 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí hàng năm ông lãi hơn 200 triệu đồng. “Được NHCSXH tiếp vốn mà tôi đã xây dựng được mô hình nuôi cá nước ngọt cho hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống gia đình ổn định, khá giả hơn trước rất nhiều. Nguồn vốn tín dụng chính sách thật sự là “bệ phóng” để gia đình tôi đổi đời…”, ông Phương chia sẻ.
Tiếp vốn cho các đối tượng chính sách

a-1649493127830690695266-1649497663787973617822

Vốn chính sách tiếp sức cho hàng chục hộ dân huyện Hòa Vang phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt

Những năm qua, nguồn vốn chính sách đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện Hòa Vang. Hiện nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã triển khai nhiều chương trình tín dụng giúp người nghèo tự chủ vươn lên làm giàu. Để đồng vốn đến đúng đối tượng và tiết kiệm thời gian, chi phí thấp nhất cho người thụ hưởng, đơn vị đã phối hợp thực hiện ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội ủy nhiệm qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn phân bổ đều khắp ở hầu hết các thôn, xóm đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi.
Ông Phan Công Tích - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương cho biết: Với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi, thời gian cho vay dài là cơ hội cho các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế gia đình. Ở thôn Phú Sơn 2 không chỉ có hộ ông Đinh Ngọc Phương mà còn hàng chục hộ dân khác nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu như hộ ông Lê Hữu Phúc, Phan Cẩm Thọ… Thông qua nguồn vốn, bà con địa phương đã phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt khá hiệu quả. Đến nay, tổ quản lý 33 hộ vay vốn, với dư nợ hơn 1,1 tỷ đồng.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang cho biết thêm, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ vốn xuống tận tay người dân để bà con mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm để góp phần tăng thu nhập, và trở thành “bệ phóng” cho nông dân làm giàu. Đến 31.3.2022, tổng dư nợ tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang đạt 660 tỷ đồng, tăng 30,6 tỷ đồng so với đầu năm.

Bài và ảnh Trần Hậu

Các tin bài khác