Tín dụng chính sách: Động lực chuyển biến giảm nghèo ở Bắc Kạn

04/04/2022
(VBSP News) Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, cùng với các cấp, ngành, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã tập trung huy động nguồn lực tài chính, tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần quan trọng thực hiện kế hoạch giảm nghèo của địa phương, nâng cao đời sống nhân dân.
4aa0f1c2c9ce07905edf

Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã giúp người dân tỉnh Bắc Kạn phát triển các mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Côn cho biết: Thời gian qua, dù gặp phải thiên tai, dịch bệnh COVID-19 bùng phát nhưng toàn hệ thống chi nhánh vẫn dốc sức tham gia trực tiếp thực hiện đề án giảm nghèo nhanh, bền vững của địa phương, như: lập kế hoạch xử lý phù hợp, tập trung huy động mọi nguồn lực, tích cực chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn ưu đãi về tận làng bản, xã phường, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có vốn chủ động SXKD; kịp thời thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Đến hết Quý I.2022, tổng dư nợ của chi nhánh đạt trên 2.300 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn vốn ưu đãi  đã giúp hàng chục nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào DTTS khó khăn ở Bắc Kạn có cơ hội vươn lên thực hiện quyết tâm thoát nghèo, làm giàu tại quê hương, góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo của tỉnh có những chuyển biến rõ nét. Giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,18%/năm, đến nay, còn khoảng 17% hộ nghèo. Bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách là nhiệm vụ chính trị quan trọng, từ đó đã trực tiếp chỉ đạo, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, ngân sách địa phương cũng đã ủy thác sang NHCSXH 34,8 tỷ đồng.
Tại xã Cao Tân, huyện Pác Nặm, nguồn vốn tín dụng chính sách đã lồng ghép với triển khai các tiểu dự án hỗ trợ nhiều hộ dân phát huy thế mạnh nông lâm nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi trâu bò, ngựa bạch sinh sản và trồng cây ăn quả cam, bưởi… Từ đó, thức dậy đất nghèo và xuất hiện nhiều gương sáng làm giàu ở vùng đặc biệt khó khăn Cao Tân. Điển hình như gia đình anh Hoàng Á Dây, dân tộc Mông ở thôn Pù Lườn khởi đầu từ 30 triệu đồng vốn vay NHCSXH để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ chịu khó làm ăn, áp dụng KHKT vào chuồng trại chăn nuôi, hiện nay, anh Hoàng Á Dây đã sở hữu mô hình kinh tế đồi rừng keo lá chàm 2ha, đàn bò 25 con sinh sản tốt. Số tiền thu được từ chăn nuôi, trồng trọt đã giúp nhà anh thoát khỏi danh sách hộ nghèo, trả đủ, trả đúng kỳ hạn nợ vay ngân hàng. “Người Mông chúng tôi có kinh tế khá giả giờ này nhiều lắm, tất cả đều nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Hy vọng, NHCSXH sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn vay cho chúng tôi để mở rộng sản xuất, tăng thêm nguồn thu nhập”,  anh Giàng Á Dây tâm sự.
Theo Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Pác Nặm Vũ Mạnh Hùng, tính đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 286 tỷ đồng, riêng 3 tháng đầu năm 2022, doanh số cho vay các chương trình tín dụng đạt gần 24 tỷ đồng, làm động lực để Pác Nặm phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,5 - 4%.
Không riêng huyện Pác Nặm mà vốn chính sách đã phủ kín toàn bộ vùng cao Bắc Kạn, với 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS khó khăn được tiếp cận dễ dàng tới chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước thông qua mạng lưới 108 Điểm giao dịch xã và hệ thống 1.597 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp thôn, bản. Cùng với đó, công tác phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong việc quản lý vốn vay, thu nợ, thu lãi đúng quy định, nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng.
Nguồn vốn ưu đãi của chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu góp phần giúp địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình giảm nghèo bền vững. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo, chi nhánh sẽ dốc sức huy động nguồn vốn, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, xứng đáng làm nguồn lực chính trong giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững ở vùng núi cao Bắc Kạn.

Minh Uyên

Các tin bài khác