Nguồn vốn ý nghĩa của đồng bào DTTS
Giúp đồng bào tự tạo việc làm
Ông Lý Đức Minh ở ấp 7, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán được vay vốn 20 triệu đồng, cộng với tiền tích góp của gia đình, ông đã mua bò và dê giống rồi sau đó làm chuồng để nuôi. Ông tranh thủ lúc chiều tối khi làm thuê về đến các khu đất hoang, dọc các tuyến đường để cắt cỏ, lá cây về cho bò, dê ăn, không phải mất tiền mua rơm khô. “Mình không có vốn mà Nhà nước thấu hiểu và cấp vốn cho thì cả nhà phải cùng cố gắng vượt khó. Tuy cực thêm một chút nhưng như vậy mới lấy công làm lời được vì nuôi nhỏ lẻ mà”, ông Minh chia sẻ.
Sau nhiều năm chăn nuôi, đến nay, ông Minh có 4 con bò cùng gần 10 con dê lớn nhỏ. Người đàn ông dân tộc Dao này dự định khi các con học lên lớp lớn cần nhiều tiền cho sinh hoạt sẽ bán để cho con tiếp tục đến trường lớp. Hay khi có đủ khả năng sẽ bán một phần để sửa chữa nhà cho tươm tất.
Cũng ở xã Thanh Sơn, gia đình bà Vi Thị Lan, dân tộc Dao cũng đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay chính sách để làm kinh tế gia đình. Gần đây nhất, bà được vay 15 triệu đồng từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Định Quán. Bà dùng số tiền này để buôn bán nhỏ tại chợ, lắp đường ống nước sạch phục vụ cho sinh hoạt gia đình. Vừa buôn bán, bà còn chăn nuôi thêm. Nhờ siêng năng và may mắn nên sau một thời gian bà trả được một nửa số tiền vay của Nhà nước. Cũng nhờ số tiền lời qua nhiều đợt bán vật nuôi và tích góp từ buôn bán hằng ngày, gia đình bà có cuộc sống ổn định hơn trước rất nhiều.
Còn gia đình ông Hồ A Phóng ở xã Bàu Sen, TP Long Khánh đã nhiều lần được vay vốn chính sách với số tiền 20, 30, rồi 40 triệu đồng. Tận dụng số vốn được vay, tranh thủ thời gian sau giờ làm thuê, ông mua giống cây trồng, gà giống về chăm sóc. Nhiều năm cần mẫn lao động, gia đình ông từng bước có cuộc sống ổn định.
“Nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đã giúp gia đình tôi có thêm điều kiện vươn lên. Tuy số tiền mỗi đợt vay so với mặt bằng chung là không nhiều, nhưng với những gia đình nghèo, khó khăn về vốn và sử dụng để làm công việc phù hợp với khả năng thì đây là chỗ dựa rất tốt. Nhưng quan trọng nhất theo tôi vẫn là người vay phải dùng số tiền đúng mục đích, phải dành tâm sức cho việc làm ăn của mình”, ông Hồ A Phóng tâm sự.
Đó chỉ là 3 trong số trên 11,2 nghìn lượt hộ đồng bào DTTS được vay vốn chính sách với tổng số tiền gần 262 tỷ đồng trong những năm qua. Trong đó, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đạt gần 105 tỷ đồng với 3,2 nghìn hộ vay vốn. Riêng cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt trên 59 tỷ đồng cho gần 1,8 nghìn lượt khách hàng vay vốn. Còn chương trình cho vay NS&VSMTNT đạt gần 83 tỷ đồng với hơn 5,3 nghìn lượt khách hàng vay vốn.
Theo Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sỹ Cường, mức cho vay bình quân đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trong vùng đồng bào DTTS là 32,7 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, một số hộ có nhu cầu vay, đủ điều kiện và được phê duyệt vay đến 100 triệu đồng.
Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường
Cùng với hỗ trợ người dân tự tạo việc làm, xây dựng công trình cơ bản, nguồn vốn chính sách còn góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ em được học tập trong vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, doanh số cho vay chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn đạt gần 9,2 tỷ đồng cho 695 lượt HSSV là đồng bào DTTS.
Gia đình bà Điểu Thị Bông, dân tộc Chơro, ở xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất chỉ có 2 mẹ con sống nương tựa vào nhau. Bản thân bà làm công nhân, gia đình không có đất sản xuất và hoàn cảnh khó khăn. Bà luôn khuyên con cố gắng học tập để sau này có cuộc sống tốt hơn. Nhưng việc học càng lên cao lại càng cần thêm chi phí nên con gái bà cũng muốn khi học hết THPT sẽ đi làm để giúp mẹ. “Được sự giúp đỡ của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, tôi được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thống Nhất cho vay vốn chương trình HSSV để lo cho con học đến khi tốt nghiệp. Nhờ vậy mà con gái tôi an tâm vào năm nhất đại học. Tôi mong con mình sẽ hoàn thành việc học để sau này ra trường có được cuộc sống ổn định, đủ điều kiện về thu nhập để hoàn trả vốn vay cho Nhà nước”, bà Bông chia sẻ.
Còn ông Đào Văn Minh, dân tộc Chơro ở xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ cho biết: “Lúc con đang tuổi học hành, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Thời điểm đó, may mắn là có nguồn vốn vay từ chương trình cho vay HSSV của NHCSXH nên con tôi mới có cơ hội học hành. Đến nay, các con có cuộc sống ổn định và hỗ trợ được cha mẹ”.
Nợ quá hạn cho vay tín dụng chính sách đối với khách hàng là đồng bào DTTS hiện chiếm tỷ lệ thấp hơn so với bình quân nợ quá hạn của tỉnh. Cụ thể, chỉ có 24 hộ vay nợ quá hạn với số tiền 279 triệu đồng, tương đương 0,19%. |
Bài và ảnh Văn Truyên
Các tin bài khác
- » Người Đảng viên tận tụy với công việc
- » Mô hình “Ngày gửi tiền tiết kiệm - Chung tay vì phụ nữ nghèo” ở huyện Nam Đàn
- » Mang vốn ra xã biên giới hải đảo Thổ Châu
- » Tín dụng ưu đãi tiếp sức cho mục tiêu giảm nghèo ở Vĩnh Phúc
- » Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp
- » Lâm Đồng nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội
- » Nguồn vốn ưu đãi chắp cánh tri thức
- » Gò Dầu kiểm tra, giám sát công tác cho vay hộ nghèo
- » Châu Thành giải ngân 1 tỷ đồng vốn giải quyết việc làm
- » Cẩm Khê: Vốn chính sách cùng dân thoát nghèo