Nguồn vốn ưu đãi chắp cánh tri thức
Cầu nối tới tương lai
Vốn là gia đình nông dân nghèo, thu nhập bấp bênh nhưng thương binh Nguyễn Văn Thân ở xóm Thọ Phú, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) chưa bao giờ ngừng nỗ lực để các con được ăn học bằng bạn, bằng bè. Không phụ lòng cha mẹ, từ năm 2009 - 2012, 4 con trai của ông liên tiếp đỗ vào các trường đại học. Trong đó, 3 người đỗ vào Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 1 người đỗ Đại học Nha Trang. Cũng từ đây, gánh nặng tài chính học tập đã khiến vợ chồng người thương binh như đổ sụp.
Vào thời điểm khó khăn đó, ông Thân đã được tiếp cận với nguồn vốn của chương trình cho vay HSSV do chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An thực hiện. Cả 4 người con của ông Thân được học tập và tiếp tục hành trình tìm kiếm những chân trời mới trên giảng đường đại học. Hiện nay, các con ông Thân đã tốt nghiệp đại học, có việc làm thu nhập ổn định, giúp gia đình trả món nợ hơn 100 triệu đồng đúng thời hạn đã vay của NHCSXH.
Chương trình tín dụng cho vay HSSV cũng đã đến với 3 người con của bà mẹ đơn thân Vũ Thị Thanh, làm nông ở thôn 2, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An); giúp con đầu lòng của chị có điều kiện học tập tại Trường Cao đẳng Y khoa Nghệ An; 2 con tiếp theo cũng đã theo học và tốt nghiệp Đại học Kinh tế Nghệ An, Đại học Thủy sản Nha Trang. Chia sẻ với chúng tôi, chị Thanh cho biết, các con của chị đã được vay tổng cộng 90 triệu đồng của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quỳnh Lưu để ăn học. Giờ, 2 cháu lớn đã ra trường, có việc làm ổn định và đã trả xong nợ cho NHCSXH.
“Hiện nay, còn món vay 37 triệu đồng cho con thứ 3 đã được gia hạn, do cháu mới ra trường đi làm lại xảy ra dịch COVID-19, thu nhập không ổn định. Chúng tôi không bao giờ quên được sự hỗ trợ của NHCSXH!”, chị Thanh xúc động nói.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Quý Thái cho biết, Quỳnh Lưu là một trong những huyện có dư nợ chương trình tín dụng cho vay HSSV cao tại tỉnh Nghệ An. Phong trào học tập đã lan tỏa khắp toàn huyện, từ miền núi đến vùng nghèo bãi ngang ven biển. Kể từ năm 2015 đến nay, doanh số cho vay của chương trình này tại huyện Quỳnh Lưu đạt hơn 36,5 tỷ đồng cho 2.525 HSSV vay vốn. Năm 2015, số tiền cho vay đạt cao nhất là 17,845 tỷ đồng cho 2.087 HSSV vay vốn. Nguồn vốn đã giúp HSSV được học tập, có việc làm, thu nhập ổn định. Đúng như đánh giá của các gia đình đã được thụ hưởng chương trình thì nguồn vốn cho vay HSSV là chiếc cầu nối con em họ đến với tương lai tươi sáng.
Không để COVID-19 làm gián đoạn học tập
Chiếc cầu nối tương lai mà chương trình tín dụng cho vay HSSV mang lại cho các HSSV nghèo không chỉ được xây đắp ở xứ Nghệ mà còn được thực hiện ở tất cả những nơi có HSSV khó khăn. Kể cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, nguồn vốn này vẫn được các chi nhánh NHCSXH trên cả nước chuyển tải kịp thời, nhanh chóng và thuận lợi nhất đến tận tay những chủ nhân tương lai của đất nước.
Đầu năm học mới 2021 - 2022, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và HSSV phải thực hiện việc học trực tuyến. Do đó, nhiều em gặp khó khăn trong việc xin giấy xác nhận của nhà trường đang theo học để làm thủ tục vay vốn. Để tạo điều kiện, hỗ trợ cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn kịp thời tiếp cận nguồn vốn vay để đóng học phí, mua sắm sách vở, phương tiện học tập… khi năm học mới đã bắt đầu, NHCSXH đã thực hiện tiếp nhận giấy xác nhận qua hòm thư điện tử, trong trường hợp nhà trường không thể cung cấp kịp thời bản chính giấy xác nhận cho HSSV trong thời gian giãn cách xã hội hoặc thực hiện học trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo đó, HSSV liên hệ với nhà trường để được gửi trước bản chụp giấy xác nhận (bản scan/ảnh chụp có dấu đỏ) qua hòm thư điện tử của nhà trường gửi đến hòm thư điện tử của HSSV nơi cho vay và hòm thư điện tử của HSSV.
Như vậy, việc hỗ trợ tiếp nhận giấy xác nhận qua hòm thư điện tử và giải ngân bằng hình thức chuyển khoản sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn và giúp cho HSSV được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách nhanh chóng, kịp thời trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Nói về chính sách nhân văn và cách làm sáng tạo, kịp thời của NHCSXH trong bối cảnh dịch bệnh, ông Phạm Văn Dũng ở xã Phú Túc, huyện Định Quán (Đồng Nai) cho biết: Nguồn vốn đã giúp 8 người con của ông được bước vào giảng đường đại học. Kể cả khi dịch bệnh bùng phát dữ dội ở Đồng Nai thì việc học của người con út cũng không bị gián đoạn bởi “học cũng online và mọi thủ tục vay, thanh toán học phí cũng được online, rất thuận lợi”.
Tương tự, 8 người con của ông Lày A Tư ở xã Bình Lộc, TP Long Khánh (Đồng Nai) cũng lần lượt vào đại học nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn vay HSSV. Ông Lày A Tư chia sẻ: Khi dịch bệnh xảy ra, cuộc sống vốn đã khó lại càng thêm khó. Song, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi HSSV vẫn được chuyển tải kịp thời, đều đặn mà các con tôi vẫn theo đuổi việc học đến cùng.
Thái Bình
Các tin bài khác
- » Người Đảng viên tận tụy với công việc
- » Gò Dầu kiểm tra, giám sát công tác cho vay hộ nghèo
- » Châu Thành giải ngân 1 tỷ đồng vốn giải quyết việc làm
- » Cẩm Khê: Vốn chính sách cùng dân thoát nghèo
- » Tây Ninh gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo
- » Tăng cường nguồn vốn giúp Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới
- » Tăng mức cho vay HSSV lên 4 triệu đồng/tháng
- » Tín dụng chính sách kịp thời, đúng đối tượng
- » Tín dụng chính sách - Điểm tựa giúp thanh niên khởi nghiệp
- » Tín dụng chính sách giúp người dân Hội An đổi đời