Tín dụng chính sách với sự phát triển của phụ nữ (Bài 1 - Thúc đẩy bình đẳng giới)

14/03/2022
(VBSP News) Xây dựng người phụ nữ “có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, tích cực lao động sản xuất, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” là quan điểm và đích đến mà NHCSXH cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN) hướng đến. Thông qua việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội, 2 đơn vị đã và đang xóa nhòa sự bất bình đẳng giới, góp phần phát huy sức mạnh của phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
hb1

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang giúp phụ nữ vươn lên làm chủ cuộc sống

Không chỉ là cú hích vật chất
Không ít phụ nữ ở thôn quê, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có chung khát khao vươn lên, tự lập trong cuộc sống. Đặc biệt, nhiều người đã khởi nghiệp với những đồng vốn ưu đãi của NHCSXH, từng bước vượt qua khó khăn, tự tin làm chủ cuộc sống và làm khởi sắc các vùng quê nghèo. Song, nhiều người chia sẻ, cái được lớn nhất đối với họ sau khi tiếp cận và sử dụng đồng vốn thành công chính là sự mạnh dạn, tự tin khi hòa nhập vào dòng chảy xã hội.
Là phụ nữ dân tộc Dao nghèo, không biết chữ nhưng chị Triệu Thị Tá ở thôn Nà Viễn, xã Yến Dương, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã tạo dựng được thương hiệu miến dong mang tên mình, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm. Đặc biệt, năm 2021, sản phẩm miến dong Triệu Thị Tá đã chính thức lên sàn giao dịch điện tử, mở ra trang mới cho cuộc đời người phụ nữ Dao cũng như thương hiệu miến dong của chị. Chị Tá tâm sự, thành công hôm nay của chị đều khởi nguồn từ nguồn vốn tín dụng chính sách và sự sát cánh, khích lệ động viên của cán bộ Hội Phụ nữ xã Yến Dương, cán bộ tín dụng Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ba Bể. “Không có họ, không có nguồn vốn, tôi không đủ dũng khí để vượt qua bao nhọc nhằn ngày đầu khởi nghiệp”, chị Triệu Thị Tá tâm sự.
Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ là điểm tựa cho người nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách phát triển kinh tế, tạo dựng cuộc sống mà còn là chỗ dựa đặc biệt về tinh thần cho các đối tượng yếu thế. Gia đình của bà Lương Thị In ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) là một ví dụ. Bà In kể, gia đình bà vốn đã rất nghèo, chồng lại đau ốm nhiều năm và cuối cùng vẫn bỏ lại cho bà gánh nặng nợ nần cùng 4 người con thơ dại. Thời điểm cùng cực nhất của cuộc đời, mẹ con bà In đã được Hội Phụ nữ xã Yên Khê giới thiệu vay vốn chính sách. Nguồn vốn hộ nghèo bước đầu đã giúp 5 mẹ con có đủ cái ăn, cái mặc và tạm ổn định cuộc sống.
“Đáng quý hơn, 4 người con của tôi đã được nuôi lớn và trở thành những công dân có ích cũng chính bằng những đồng vốn vay từ chương trình tín dụng cho vay HSSV”, bà In xúc động nói.
Chị Tá, những người con của bà Lương Thị In chỉ là số ít trong vô vàn các trường hợp đã được thụ hưởng chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện. Họ là những minh chứng sống động cho một chính sách an sinh hiệu quả cả về tinh thần và tạo dựng sinh kế của Đảng, Nhà nước.
Tỷ lệ nữ “làm chủ” ngày càng gia tăng
Nếu Quốc hội Khóa I, số đại biểu là nữ chỉ chiếm 3% (tương đương 10 người) thì tới Quốc hội Khóa XV, con số này tăng lên 151 người, chiếm 30,26% trong số 499 đại biểu trúng cử. Đây cũng là lần thứ hai, số nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30% (lần đầu tiên là Quốc hội Khóa V, đạt 32,31%) và là lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa VI trở lại đây có số đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30%.
Cùng với đó, tỷ lệ đại biểu nữ tham gia HĐND các cấp ngày một gia tăng, khóa sau tăng hơn khóa trước. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp và đặc biệt là tỷ lệ nữ tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp ngày càng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Các chủ doanh nghiệp là nữ ngày càng tăng về số lượng, khẳng định được vị thế trong sự phát triển chung của đất nước. Đáng chú ý, tỷ lệ phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống ngày một gia tăng.
Những con số trên cho thấy công cuộc giải phóng phụ nữ, bình đẳng nam - nữ không phải chỉ dừng lại ở phong trào mà đã trở thành chính sách, pháp luật và bằng những con số rất thuyết phục. Tính riêng nhiệm kỳ Đại hội Đảng vừa qua cho thấy, có hơn 4.200 cán bộ nữ được lựa chọn, giới thiệu và bầu giữ chức vụ cán bộ chủ chốt trong Đảng và chính quyền ở cả 3 cấp.
Đặc biệt, phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS cũng đã có những bước tiến vượt bậc cả về trình độ nhận thức và hành động. Nhiều chị em trưởng thành từ chính những đồng vốn tín dụng chính sách; nhiều người trong số họ đã được nguồn vốn tín dụng HSSV chắp cánh ước mơ trên các giảng đường cao đẳng, đại học, để từ đó có cơ hội thay đổi cuộc đời; có người trở thành nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư quay trở về cống hiến, phục vụ cho người dân quê nhà; cũng có chị trở thành doanh nghiệp giỏi, tạo việc làm cho nhiều người yếu thế khác… Đáng quý hơn, nhiều chị em, nhất là chị em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã tự làm chủ được gia đình, tự tin gia nhập vào cộng đồng nhờ được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, với KHKT và các dịch vụ xã hội khác.

Bài và ảnh Vũ Thái Bình - Yên Hưng

Các tin bài khác