Nông dân nghèo ổn định kinh tế nhờ nguồn vốn chính sách

08/03/2022
(VBSP News) Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay của NHCSXH, nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở Quảng Ninh đầu tư nuôi gà không chỉ thoát nghèo, thậm chí trở thành hộ khá, giàu.
anh-tr7-1646304343530790305553

Mô hình nuôi gà đặc sản dưới tán cây bưởi, cam của nông dân xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên

Sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi nuôi gà, nuôi ngựa
Gia đình chị Hoàng Thị Xuân ở xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu được biết đến là tấm gương đi đầu trong phong trào làm kinh tế giỏi. Trước đây, gia cảnh của hai vợ chồng chị rất khó khăn, nên luôn nằm trong diện hộ nghèo, cận nghèo của xã. Năm 2017, chị Xuân tiếp cận đến mô hình nuôi gà thả đồi và mạnh dạn vay vốn đầu tư 200 con gà để phát triển kinh tế. Lứa gà đầu tiên nuôi thành công, chị làm đơn xin vay vốn ưu đãi của Phòng giao dịch NHCSXH huyện để tiếp tục mở rộng quy mô, kết hợp trồng rau sạch, măng tây, nuôi lợn… Đến nay, kinh tế gia đình chị luôn ở trong nhóm khá giả của thôn, xã. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị Xuân thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Năm 2022, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ninh ưu tiên nguồn vốn cho các địa bàn khó khăn; giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn của người dân. Không riêng chị Xuân, những khoản vay ưu đãi của NHCSXH còn là trợ lực thúc đẩy sản xuất của nhiều hộ dân miền núi như anh Chu Văn Trình ở thôn Nà Cắp, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu.
Cuối năm 2020, anh được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng hộ mới thoát nghèo của NHCSXH huyện Bình Liêu. Số vốn vay cùng nguồn vốn tự có, anh Trình đã mua 20 con ngựa giống, làm chuồng trại, học hỏi kỹ thuật chăm sóc.
Anh Trình chia sẻ: “Nếu không có nguồn vốn chính sách, tôi không dám đầu tư đàn ngựa này. Với tốc độ phát triển của đàn ngựa hiện nay, chỉ trong năm nay, đàn ngựa sẽ mang lại nguồn thu, tôi sẽ trả được cả nợ gốc và lãi của ngân hàng. Bởi ngoài bán ngựa giống, tôi sẽ huấn luyện ngựa làm công việc chở hàng cho những người thu hoạch nhựa thông hay quế, hồi theo mùa vụ, xây dựng sản phẩm trải nghiệm cưỡi ngựa phục vụ du lịch”.
Còn chị Đặng Thị Thủy ở xã Đông Hải, huyện Tiên Yên nhờ vốn vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo, gia đình chị đã đầu tư chăn nuôi lợn và vịt, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đến nay, gia đình chị đã thoát khỏi diện cận nghèo, vươn lên thành hộ khá giả trong vùng. Cùng với chị Xuân, anh Trình, chị Thuỷ, hàng nghìn hộ nghèo khác trong tỉnh cũng đã và đang sử dụng hiệu quả vốn vay từ NHCSXH để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.
Hỗ trợ người dân giảm nghèo
Theo báo cáo, tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện 18 chương trình cho vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ với 3.600 tỷ đồng. Riêng năm 2021, doanh số cho vay của chi nhánh đạt hơn 1.320 tỷ đồng, với 25.726 lượt khách hàng vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 2.753 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phục vụ SXKD theo hướng phát huy lợi thế đặc thù vùng miền; 13.470 lượt người dân vay vốn giúp giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; 391 lượt hộ gia đình có công với cách mạng và người có thu nhập thấp vay vốn để xây mới, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP…
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đăng Kiệm cho biết: Ngân hàng luôn xác định chung tay giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng của đơn vị. Do đó, năm 2022, đơn vị tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chỉ thị của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; ưu tiên nguồn vốn cho các địa bàn khó khăn; giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn của người dân. Đồng thời, chủ động đề xuất với trung ương phân bổ nguồn vốn đối ứng kịp thời; lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội; phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2022.

Bài và ảnh Đức Thịnh

Các tin bài khác