Vai trò của phụ nữ trong công tác giảm nghèo
Từ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp hội trong phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, cùng với các chính sách ưu đãi và sự quan tâm chia sẻ, kịp thời giúp nhiều phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Điển hình như gia đình bà Thạch Thị Sâm Nang ở ấp Là Ca A, xã Nhị Trường đã vươn lên thoát nghèo.
Bà Nang cho biết: Trước đây gia đình thuộc hộ nghèo, chồng làm phụ hồ thu nhập 250.000 đồng/ngày, còn bà ở nhà trồng đậu bún, khổ qua luân canh 3 - 4 vụ/năm/1.500m2, nếu được giá thì lợi nhuận 6 triệu đồng/1.000m2/vụ. Thời gian sản xuất, được Hội LHPN của xã hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay 15 triệu đồng từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cầu Ngang, bà tiếp tục đầu tư trồng trọt và mua thêm một con bê cái về nuôi. Trong năm 2021, gia đình bà tiếp tục được hội hỗ trợ nguồn vốn từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo thêm 50 triệu đồng vào sản xuất và xây dựng nhà mới kiên cố hơn. Vụ màu mùa khô năm nay ngoài diện tích trên, bà thuê thêm 2.000m2 đất lúa của người dân trong ấp để trồng đậu bún nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Một trường hợp khác là gia đình bà Thạch Thị Vững ngụ cùng ấp Là Ca A được tiếp cận vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng từ NHCSXH thông qua Hội LHPN xã. Gia đình bà Vững đã đầu tư nuôi bò bước đầu đem lại hiệu quả khá cao. Theo bà Vững, nhiều năm trước, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất 3 vụ lúa/năm trên diện tích 0,8ha, thu nhập bấp bênh, mỗi vụ thu hoạch, bà dành một ít lúa để ăn, số còn lại bán lấy tiền trả phân, thuốc. Còn phụ phẩm rơm rạ sau thu hoạch cho một số người dân trong xóm trồng hoa màu. Sau khi được tuyên truyền về nguồn vốn chính sách, bà mạnh dạn vay 50 triệu đồng để mua bò sinh sản, tuy vốn đầu tư con giống cao nhưng nhẹ chi phí chăm sóc. Thời gian nuôi dài, hơn 1 năm bò sinh sản, khoảng 6 - 8 tháng sau xuất bán. Lợi thế việc nuôi bò chủ yếu lấy công làm lời, thời điểm bò giảm giá có thể nuôi sang vài tháng sau xuất bán. Đến nay, đàn bò của gia đình từ con bò mẹ ban đầu nay đã có 6 con, vừa qua bà bán 1 con bò để có tiền trang trải cuộc sống và mua phân, thuốc bảo vệ thực vật để trồng lúa.
Chủ tịch Hội LHPN xã Nhị Trường Lê Thị Hồng Gấm cho biết: Bám sát các hoạt động phát triển kinh tế trọng điểm của hội cấp trên, năm qua, hội vận động hội viên phụ nữ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế. Thực hiện kế hoạch chuyên đề hỗ trợ phụ nữ nghèo, hội chỉ đạo chi hội hỗ trợ từ 1 - 2 hộ nghèo/ấp do phụ nữ làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo. Trong năm, các chi hội đã hỗ trợ 5 phụ nữ nghèo làm chủ hộ được vay vốn số tiền 250 triệu đồng và giúp 3 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều và tiêu biểu trong cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.
Nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay của hội viên, phụ nữ, trong năm hội phối hợp Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cầu Ngang, vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Trà Vinh giải ngân gần 3 tỷ đồng cho phụ nữ vay phát triển sản xuất, nâng tổng dư nợ đến nay trên 13,2 tỷ đồng, giúp 600 lượt hội viên vay vốn phát triển trồng trọt và chăn nuôi, tăng 10% so với tổng số vốn cuối năm 2020; hỗ trợ 42 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ đủ điều kiện vay vốn với số tiền trên 1,4 tỷ đồng; tổ chức 15 cuộc tập huấn chuyển giao KHKT, giúp hội viên có thêm kiến thức áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng thời, vận động hội viên tham gia gửi tiết kiệm với các hình thức như: gửi tiết kiệm tại NHCSXH, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển Trà Vinh, tổ tiết kiệm nuôi heo đất, gửi tiết kiệm Ngân hàng Bưu điện Liên Việt,… đến nay có 798/1.290 hội viên, phụ nữ tham gia gửi tiết kiệm. Ngoài ra, hỗ trợ 1 hội viên phụ nữ nghèo khởi nghiệp vay vốn mua bán, với số tiền 30 triệu đồng; tổ chức đào tạo nghề đan giỏ lục bình, đan cối se, qua đó giúp 46 thành viên có việc làm, tăng thu nhập trong thời gian nhàn rỗi.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2022, hội tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động phụ nữ giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Tiếp tục phát động cuộc vận động giúp nhau làm kinh tế gia đình, tiết kiệm, tích lũy, hỗ trợ vốn, chuyển giao KHKT giúp hội viên, phụ nữ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững.
Bài và ảnh Mỹ Nhân
Các tin bài khác
- » Người Đảng viên tận tụy với công việc
- » Tín dụng chính sách giúp doanh nghiệp, người dân vượt khó
- » Thêm nguồn tín dụng phát triển miền núi
- » Tín dụng chính sách ở Phú Thọ khơi dậy khát vọng và quyết tâm thoát nghèo
- » “Cầu nối” ngân hàng với người dân
- » Hàn gắn, xoa dịu những mất mát cho trẻ mồ côi
- » Tây Ninh triển khai cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP cho cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục
- » Tận dụng lợi thế từ nguồn vay để thoát nghèo
- » Nơi gửi gắm niềm tin của đồng bào nghèo
- » Động lực thoát nghèo cho hàng triệu nông dân