Tín dụng chính sách với sự phát triển của phụ nữ (Bài 2 - Chìa khóa mở ra chân trời mới)

14/03/2022
(VBSP News) Kiến thức, kỹ năng, sinh kế, sự tự tin... là những điều rất dễ có được đối với phụ nữ ở thành thị nhưng lại là thứ khó với tới của chị em ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo và vùng đồng bào DTTS. Chính vì vậy, bằng cách phối hợp chặt chẽ giữa một bên là nhà thiết kế các chương trình tín dụng, một bên là cầu nối chính sách, NHCSXH và Hội LHPN đã trở thành chìa khóa mở ra chân trời mới cho những mảnh đời khó khăn.
1t7

Chị Triệu Thị Tá đã thành công từ nguồn vốn nhỏ của chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn

Chị em “xắn tay” lo việc lớn
Về Lai Châu, câu chuyện những người phụ nữ DTTS cùng chồng lo toan phát triển kinh tế gia đình không còn là chuyện hiếm. Như gia đình chị Lã Thị Nhung ở bản Đông Phong, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường là một ví dụ. Trước đây, mặc dù hai vợ chồng chị Nhung chịu thương, chịu khó lao động nhưng thu nhập hàng năm vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Năm 2018, với việc mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, chị đã nghe theo lời tư vấn của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và Hội Phụ nữ xã chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đầu tư quán tạp hóa phục vụ bà con trong bản với số tiền vay 50 triệu đồng từ NHCSXH. Theo thời gian, chị Nhung dần tích lũy được kinh nghiệm và vốn nên đã mở rộng, đa dạng các mặt hàng thiết yếu, mang về 100 triệu đồng/năm tiền thu nhập.
Có điểm tựa từ trên 20 chương trình cho vay tín dụng chính sách, nhiều chị em đồng bào các DTTS ở Lai Châu đã mạnh dạn thay đổi tư duy nuôi trồng, triển khai những mô hình kinh tế sáng tạo hướng tới những sản phẩm hàng hóa sạch, an toàn và bảo vệ môi trường, có giá trị gia tăng cao. Tại xã Mường Cang, huyện Than Uyên, chị Lò Thị Thực cùng với 3 hộ khác đang triển khai mô hình trồng rau muống hữu cơ trên diện tích 70m². Để tạo dựng thương hiệu, uy tín, chị Lò Thị Thực và các hộ tham gia xác định phải đặt chất lượng lên hàng đầu.
Do đó, cơ sở sản xuất rau của các chị đã trở thành điểm lựa chọn đầu tiên của các bà nội trợ trong địa bàn. Hiện, trung bình 20 ngày các hộ gia đình thu hoạch một lần. Năm 2021, từ mô hình trồng rau hữu cơ, chị Thực và 3 hộ đã thu về số tiền gần 60 triệu đồng. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục trồng thêm những giống rau khác để đưa sản phẩm sạch đến với người tiêu dung”, chị Lò Thị Thực chia sẻ.
Hay như gia đình chị Nùng Thị Phương ở bản Cang Mường, đã tận dụng diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả làm chuồng trại chăn nuôi và trồng khoảng 20ha cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. Chị Nùng Thị Phương đã đầu tư nuôi 15 con trâu, 5 con bò và 3 con dê. Mỗi năm, chị Nùng Thị Phương thu lãi từ gần 200 triệu đồng. Đến nay, gia đình chị là một trong những hộ khá giả của bản.
Không chỉ những phụ nữ nghèo ở Lai Châu biết cách sinh lời đồng vốn chính sách mà phụ nữ Tây Nguyên, Tây Nam Bộ cũng vậy. Ở đâu, chị em cũng được trao cơ hội như nhau; ở đâu, chính sách tín dụng cũng phủ kín đến các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách; giúp bà con tùng bước thoát khỏi đói nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm
Theo báo cáo của Hội LHPN tỉnh Lai Châu, hiện nay, Hội đang quản lý gần 400 Tổ tiết kiệm và vay vốn cho 12.590 hộ vốn với tổng dư nợ tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Lai Châu đạt gần 700 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách đã và đang phát huy trong phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, giai đoạn 2016 - 2020, đã giúp hơn 500 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh gần 4,78%/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của hội viên phụ nữ được nâng lên, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Không chỉ riêng Lai Châu, nguồn vốn chính sách thông qua các cấp Hội Phụ nữ cũng đang thấm đẫm vào đời sống từ thành thị đến những nơi vùng sâu, vùng xa, hải đảo; dần ăn mòn những hủ tục, thói quen lạc hậu trong đời sống - điều vốn làm cho phụ nữ trở thành nhóm xã hội cực khổ nhất, đưa họ từng bước vươn lên trở thành một trong những chủ nhân trụ cột của gia đình và xã hội.
Tại Bắc Giang, với phương thức “Giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã” thông qua mạng lưới 3.124 Tổ tiết kiệm và vay vốn và 209 Điểm giao dịch, đã giúp người dân nơi đây không đứt gãy sản xuất khi dịch COVID-19 hoành hành. Phương thức này đã được chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang và các tổ chức chính trị - xã hội; trong đó, có Hội LHPN tỉnh phủ kín xuống tận các xã, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận đầy đủ, thuận lợi tới nguồn vốn chính sách của Nhà nước.
Giai đoạn 2016 - 2021, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được giải ngân cho 196.782 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng khác với tổng số tiền là 7.411 tỷ đồng; tạo việc làm cho 10.450 lao động. Nguồn vốn cũng đã đến tay 1.164 hộ đồng bào DTTS… Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó, vai trò đặc biệt của NHCSXH đã giảm tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Bắc Giang đạt bình quân 2,23%/năm; riêng các xã đặc biệt khó khăn và huyện nghèo 30a giảm 4 - 5%, vượt cao hơn kết quả cả nước.
Đặc biệt, thời gian gần đây, thông qua các gói tín dụng ưu đãi từ NHCSXH, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có vốn để SXKD, mở rộng mô hình sinh kế; giải quyết việc làm, tạo nguồn vốn tái sản xuất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Bài và ảnh Vũ Thái Bình

Các tin bài khác