Tín dụng chính sách với sự phát triển của phụ nữ (Bài cuối - Nuôi dưỡng và lan tỏa)
Nhân lên sức mạnh
Năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định 78/NĐ-CP (Nghị định) về chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nghị định nêu rõ, việc chuyển tải nguồn vốn ưu đãi tới hộ nghèo và đối tượng chính sách được thực hiện bằng phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, các tổ chức chính trị - xã hội bằng mạng lưới rộng khắp từ Trung ương tới cơ sở đảm nhiệm các công việc như tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước tới các tầng lớp dân cư, đối tượng thụ hưởng; tuyên truyền thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn, để thông qua đó người nghèo và các đối tượng chính sách khác tham gia và được hỗ trợ.
Sau gần 20 năm thực hiện Nghị định, phương thức ủy thác một số nội dung công việc qua các tổ chức chính trị - xã hội là sự sáng tạo, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức chính trị - xã hội; phù hợp với tính chất chính trị, xã hội của vốn tín dụng chính sách, phát huy tối đa hiệu quả của đồng vốn cho vay, gia tăng sức mạnh cho nguồn vốn chính sách; đóng góp tích cực cho phát triển bền vững của NHCSXH, xây dựng tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh; góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đề ra, nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.
Phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội cũng đã khẳng định tính ưu việt riêng có của tín dụng chính sách xã hội. Theo Kết luận số 06-KL/TW ngày 10.6.2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của NHCSXH được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng được phương thức cho vay ủy thác tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội, giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng.
Giữ vững ngôi vị dẫn đầu!
Đó là quyết tâm của lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam khi nói về kế hoạch thực hiện hoạt động ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH. Thực tế, thời gian qua, chất lượng tín dụng chính sách do Hội LHPN quản lý ngày một nâng cao khi hàng năm, 100% Hội Phụ nữ các cấp đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát theo quy định. Đồng thời, phối hợp với NHCSXH tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực về quy trình bình xét, quản lý nguồn vốn; hướng dẫn các thủ tục, quy định mới và kỹ năng nghiệp vụ trong hoạt động ủy thác. Chỉ riêng năm 2021, Hội đã tổ chức trên 2.400 lớp tập huấn cho trên 75.000 cán bộ Hội và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.
NHCSXH cũng luôn chủ động cùng với Hội LHPN các cấp tăng cường trao đổi thông tin, nhằm đánh giá, giám sát việc thực hiện các quy định về hoạt động tín dụng cũng như các chương trình tín dụng, chính sách tín dụng, nhu cầu vay vốn của khách hàng… để đưa ra chỉ đạo, kiến nghị, đề xuất kịp thời. Cùng với đó, NHCSXH tuyên truyền, triển khai chương trình cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai xảy ra ở các địa phương, những thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống, SXKD.
Nhờ sự vào cuộc nỗ lực của 2 bên, tính đến 31.12.2021, dư nợ ủy thác qua Hội LHPN đứng đầu trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, đạt 93.991 tỷ đồng, chiếm 38,41% tổng dư nợ ủy thác, tăng 7.040 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,19%, nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,36% tổng dư nợ nhận ủy thác. Có 62.852 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ quản lý đã góp phần đưa nguồn vốn chính sách đến với 2,4 triệu khách hàng. Đặc biệt, các cấp Hội LHPN còn vận động hội viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư 6.160 tỷ đồng (tăng 768 tỷ đồng so với năm 2020).
Năm 2022, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục phát huy hiệu quả ủy thác cho vay và giữ vững vị thế dẫn đầu trong công tác ủy thác cho vay tín dụng chính sách xã hội; tập trung tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan lồng ghép hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đào tạo nghề, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và nhân rộng các mô hình SXKD điển hình…
Bài và ảnh Vũ Thái Bình
Các tin bài khác
- » Người Đảng viên tận tụy với công việc
- » Thông báo tuyển dụng lao động năm 2022 tại một số tỉnh khu vực Tây Nam Bộ
- » Tín dụng chính sách với sự phát triển của phụ nữ (Bài 2 - Chìa khóa mở ra chân trời mới)
- » Tín dụng chính sách với sự phát triển của phụ nữ (Bài 1 - Thúc đẩy bình đẳng giới)
- » Vốn vay chính sách tạo sức bật cho chị em phụ nữ
- » Hiệu quả hoạt động ủy thác vốn vay của Hội Nông dân xã Diễn Lâm
- » Tín dụng chính sách xã hội - Công cụ hỗ trợ trực diện cho phụ nữ làm giàu
- » Vai trò của phụ nữ trong công tác giảm nghèo
- » Sẵn sàng nguồn vốn chính sách cho đồng bào DTTS
- » Nông dân nghèo ổn định kinh tế nhờ nguồn vốn chính sách