Hiệu quả vốn vay ưu đãi ở Sìn Hồ

07/04/2022
(VBSP News) Những năm qua, nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, nhiều gia đình ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu) có điều kiện phát triển kinh tế, tiếp cận KHKT, bà con phấn khởi thi đua lao động sản xuất, nhiều mô hình kinh tế mới hình thành tại các xã, bản, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.
1111111111_1649026016787

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, chị Vừ Thị Dí ở bản Tà Ghênh, xã Phìn Hồ đầu tư mô hình trồng chè chất lượng cao

Sìn Hồ có điều kiện tự nhiên phức tạp, độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh bởi núi cao, vực sâu. Toàn huyện có 21 xã, 1 thị trấn, trong đó có 17 xã, 178 bản thuộc diện khó khăn. Bên cạnh đó, người dân nơi đây thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi diễn biến khí hậu cực đoan, thường có mưa đá, gió lốc, sạt lở đất, lũ quét… gây thiệt hại về người, tài sản, vật nuôi, cây trồng. Vì vậy, việc sử dụng phù hợp, hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi trở nên cần thiết để người dân có nguồn lực ổn định cuộc sống.
Những năm gần đây, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã kịp thời hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đoàn viên thanh niên, người lao động có thu nhập thấp. Hiện nay, toàn huyện đã có gần 10.000 hộ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với dư nợ đạt 410 tỷ đồng. Nhờ quản lý và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương xuống còn 47% theo chuẩn mới (năm 2021). Cũng nhờ nguồn vốn hỗ trợ kinh doanh mà nhiều hộ dân yên tâm chủ động ứng phó dịch bệnh COVID-19, thu nhập bình quân toàn huyện được duy trì ở mức 35 triệu đồng/người/năm.
Vốn vay ưu đãi giúp nhiều hộ dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo, trong đó vốn vay dành cho các hộ SXKD vùng khó khăn đã thúc đẩy hình thành nhiều ngành nghề, xưởng sản xuất, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi, góp phần khai thác thế mạnh tại địa phương. Điển hình như tại xã Phìn Hồ, thu nhập bình quân đầu người đã được cải thiện, tăng 15% so với năm trước. Chị Vừ Thị Dí ở xã Phìn Hồ cho biết: “Sau khi được vay vốn chính sách, tôi có điều kiện chuyển đổi mô hình nuôi gia cầm theo hướng tập trung công nghiệp, có chuồng trại kiên cố. Chăn nuôi đã trở thành nguồn thu chính của gia đình; có vốn, tôi mạnh dạn mở rộng chăn nuôi và tái trồng chè chất lượng cao - cây trồng thế mạnh của xã”.
Đến nay, sản xuất trên địa bàn huyện Sìn Hồ được nâng cao, cuộc sống thiếu ăn thời điểm giáp hạt, nhà tạm bợ… đã không còn nhiều như trước. Nhiều hộ gia đình, đoàn viên thanh niên trên địa bàn mạnh dạn làm thủ tục xin vay vốn NHCSXH, thực hiện các dự định kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Đầu năm 2021, anh Mùa A Chơ - đoàn viên thanh niên xã Sà Dề Phìn đã vay 30 triệu đồng từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện để chuyển đổi đất vườn sang trồng cây dược liệu. Sau một năm, đến nay, cây dược liệu đã bước đầu cho thu nhập, đời sống được nâng cao, anh có thêm nhiều thời gian, điều kiện giúp đỡ bà con về kỹ thuật, kinh nghiệm tiếp cận vốn và tư duy làm nông nghiệp theo hướng mới.
Anh Lý A Dũng - người dân bản Hồng Thu, xã Hồng Thu chia sẻ: “Tôi luôn biết ơn các cấp vì đã tạo điều kiện để gia đình vay vốn phát triển kinh tế gia đình trong thời gian qua. Năm 2020, gia đình tôi muốn chăn nuôi theo hướng tập trung nhưng chưa đủ điều kiện, được Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp, tôi đã vay 30 triệu đồng để mua 6 con dê về nuôi. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, đến nay, đàn dê phát triển lên 11 con, vừa qua tôi đã trả xong nợ ngân hàng. Dự tính cuối năm nay, tôi tiếp tục nuôi dê và trồng thêm cây ăn quả để phát triển kinh tế gia đình”.
Trên địa bàn huyện Sìn Hồ hiện nay, tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp, đây là tín hiệu đáng mừng với một huyện vùng cao biên giới kinh tế còn chậm phát triển, thường xuyên phải gánh chịu thiên tai. Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sìn Hồ, Đỗ Văn Chung cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác, tăng cường cán bộ tín dụng cùng với các xã, thị trấn kiểm tra việc sử dụng vốn vay; tập trung nâng cao chất lượng tín dụng. Quản lý nguồn vốn được sử dụng hiệu quả là phương tiện đắc lực hỗ trợ người dân thoát nghèo, góp phần vào công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Làm tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng thu nhập thấp, huyện Sìn Hồ sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác, phát triển kinh tế. Mặt khác, việc tranh thủ sự ủng hộ tạo điều kiện của các cấp uỷ, chính quyền, hợp tác của các tổ chức tín dụng sẽ góp phần thực hiện nhanh mục tiêu giảm nghèo bền vững cho người dân vùng cao biên giới này.

Bài và ảnh Mạnh Hùng

Các tin bài khác