Hiệu quả từ vốn vay tín dụng ưu đãi

07/04/2022
(VBSP News) Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, những năm qua, hàng nghìn hội viên nông dân trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế. Những đồng vốn chính sách đã trở thành “đòn bẩy” giúp nhiều gia đình có điều kiện phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo của địa phương.
nan

Đàn bò của gia đình anh Đinh Văn Cường ở xóm Quang Hưng, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp

Gia đình anh Đinh Văn Cường ở xóm Quang Hưng, xã Châu Quang là một trong những hộ gia đình được vay vốn chương trình giải quyết việc làm của Phòng giao dịch NHCSXH huyện để phát triển kinh tế. Trước đây, anh luôn nung nấu khát vọng làm giàu, nhưng “cái khó bó cái khôn”. Không tiền vốn, gia đình có 6 nhân khẩu, chạy đủ ăn đã khó nói chi đến đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Trước tình hình đó, gia đình anh đã được NHCSXH  cho vay 50 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm.
Từ số tiền đó, vợ chồng anh đã mua 2 con bò giống, đầu tư đào ao thả cá, phát triển đàn gà, trồng keo… Anh Cường đã dày công chịu khó học hỏi từ thực tế, từ báo đài để có kinh nghiệm, tiến bộ trong cách làm ăn, nhờ đó, anh đã sử dụng rất hợp lý nguồn vốn được vay. Tận dụng 50 triệu đồng vốn ban đầu đến nay, gia đình anh đã có đàn bò trên 11 con, hàng trăm con gà, ao cá với diện tích mặt nước rộng trên 100m² cùng 3ha keo lai đang phát triển xanh tốt, gia trại áp công nghệ mới, khoa học tiến bộ xanh, sạch tạo được môi trường thoáng mát. Chỉ trong vòng 3 năm, thu nhập của gia đình anh đạt gần 100 triệu đồng/năm.   
Anh Đinh Văn Cường chia sẻ: “Tôi vay vốn từ năm 2019 nay đã đem lại hiệu quả kinh tế. Nhìn chung nguồn vốn này rất phù hợp với bà con nông dân đầu tư phát triển sản xuất góp phần thoát nghèo và làm giàu”.
Nguồn vốn chính sách đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Quỳ Hợp phát triển kinh tế nhanh chóng thoát nghèo, tạo cơ hội cho nhiều hội viên nông dân lập nghiệp thành công, làm giàu chính tại mảnh đất quê hương như anh Đinh Văn Cường.      
Để nguồn vốn thực sự trở thành người bạn đồng hành cùng người dân thoát nghèo bền vững, Hội Nông dân huyện Quỳ Hợp luôn chủ động phối hợp với NHCSXH triển khai thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiếp cận sớm nguồn vốn vay, tạo điều kiện cho họ đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.

nan2

Nhiều hội viên nông dân vay vốn chính sách phát triển mô hình chăn nuôi bò

Từ các nội dung ký kết với NHCSXH, Hội Nông dân huyện thường xuyên triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến đối tượng thụ hưởng, chỉ đạo các cơ sở Hội hướng dẫn cho các chi Hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn, các thành viên vay vốn về thủ tục vay vốn, kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng kỳ hạn; giám sát và quản lý hoạt động tín dụng tiết kiệm của Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm tránh thất thoát và chiếm dụng vốn.
Bằng các biện pháp chỉ đạo tích cực, chủ động và cụ thể, hoạt động ủy thác vốn vay qua Hội Nông dân với NHCSXH đã dần đi vào nề nếp và ngày càng hiệu quả, phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng ủy thác. Cùng với việc cho vay, Hội Nông dân các xã, thị trấn còn tích cực chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm của người dân thông qua tổ với số dư nợ tiết kiệm trên 10 tỷ đồng, bình quân hơn 3 triệu đồng/hộ. Đến thời nay, dư nợ của tổ chức Hội Nông dân đạt 153 tỷ đồng, với 3.178 hộ vay tại 94 Tổ tiết kiệm và vay vốn.    
Các cấp Hội và cán bộ tín dụng luôn bám sát cơ sở, phối hợp cùng các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xem xét, thẩm định kỹ, chính xác những trường hợp vay vốn gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, để kịp thời hỗ trợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách được đưa đến 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Chất lượng tín dụng không ngừng được củng cố và nâng cao, nợ quá hạn và nợ khoanh luôn được kiểm soát ở mức thấp… Bên cạnh đó, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quỳ Hợp còn chủ động phối hợp với Hội Nông dân huyện tham gia tư vấn phát triển sản xuất; hướng dẫn các hộ áp dụng KHKT vào SXKD; triển khai các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng và lợi thế tại mỗi địa phương. Từ đó, phát huy vai trò cầu nối, đưa tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc ổn định đời sống hội viên nông dân các chỉ tiêu giảm nghèo và giải quyết việc làm cơ bản đạt và vượt kế hoạch; đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Bùi Thị Huyền

Các tin bài khác