“Đòn bẩy” giảm nghèo bền vững

15/04/2022
(VBSP News) Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước mang tính nhân văn sâu sắc. Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã phát huy được hiệu quả to lớn, góp phần hiệu quả thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Chị Cao Thị Mê Lên chăm sóc vườn mãng cầu đang cho trái cho vụ tiếp theo

Chị Cao Thị Mê Lên chăm sóc vườn mãng cầu đang cho trái cho vụ tiếp theo

Sự “tiếp sức” đúng lúc

Chị Cao Thị Mê Lên (39 tuổi), người dân tộc Khmer, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh có hơn 3 công đất trồng mãng cầu nằm khu vực dưới chân núi Bà Đen do ba mẹ cho để làm kinh tế gia đình. Bao nhiêu vốn liếng chị dành hết cho vườn mãng cầu với hy vọng ổn định đời sống gia đình nhưng thật sự không đủ.

Vài tháng trước, được sự giới thiệu và hướng dẫn của Hội Nông dân xã Thạnh Tân, chị được vay vốn 50 triệu đồng từ chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh để thuê thêm nhân công chăm sóc, tỉa bông, trái non, bấm nhánh, mua thêm phân bón. Sự “tiếp sức” đúng thời điểm này giúp gia đình chị hết sức phấn chấn, có thêm động lực hăng hái lao động sản xuất.

Nhờ được đầu tư đúng mức, vườn mãng cầu nhà chị đã cho thu hoạch với năng suất cao, mỗi năm có thể thu hoạch hai vụ. Trái mãng cầu cũng đạt chất lượng cao, nên giá cả đầu ra ổn định. Vụ thu hoạch đầu tiên sau đó, sau khi trừ chi phí, gia đình chị có lãi trên dưới 80 triệu đồng, cao hơn so với trước đây. Chị Lên phấn khởi cho biết, nhờ vay được nguồn vốn từ chi nhánh NHCSXH tỉnh kịp lúc nên có vốn làm mãng cầu có hiệu quả hơn.

Chị Trần Thị Thúy rất phấn khởi khi 2 lần được NHCSXH cho vay vốn nuôi cá ổn định cuộc sống

Chị Trần Thị Thúy rất phấn khởi khi 2 lần được NHCSXH cho vay vốn nuôi cá ổn định cuộc sống

Chị Trần Thị Thúy ngụ ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, TX Hoà Thành sống bằng nghề nuôi cá trong vèo ở sông Vàm Cỏ. Cũng từ nguồn vốn vay của chi nhánh NHCSXH tỉnh do Hội Phụ nữ xã giới thiệu, đầu tiên chị được vay 30 triệu đồng để phát triển nghề nuôi cá. Nhờ nguồn vốn này, gia đình chị dần ổn định chăn nuôi, thu nhập đủ trang trải sinh hoạt cho gia đình 5 người và dành kinh phí trả nợ đúng hạn. Đến tháng 2.2022, chị được giải ngân lần hai với số vốn tăng gấp đôi để phát triển thêm diện tích nuôi cá. Chị cho biết, trung bình một tháng gia đình chị thu nhập khoảng hơn 20 triệu đồng, cuộc sống ổn định.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành cho biết, trong thời qua, Hội đã giải ngân số vốn trên 150 tỷ đồng cho trên 5.000 hội viên phụ nữ, góp phần cùng địa phương thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, giúp cho hội viên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Địa chỉ tin cậy

Với phương châm hoạt động “Thấu hiểu lòng dân. Tận tâm phục vụ”, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã nỗ lực đưa nguồn vốn tín dụng đến tận tay các đối tượng. Từ việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, Ngân hàng đã thực hiện các sản phẩm dịch vụ theo hướng “Dân chủ công khai, dịch vụ tại nhà, giải ngân tại xã” thông qua mạng lưới hoạt động khắp tỉnh, với 94 điểm giao dịch đặt tại trụ sở của 94 UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Bên cạnh đó, chi nhánh NHCSXH tỉnh còn phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội quản lý 2.635 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động đều tay và hiệu quả.

Trong quý I.2022, doanh số cho vay ủy thác qua các cấp hội đạt 197,2 tỷ đồng, tăng 60,5 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhất là ủy thác qua Hội Nông dân với hơn 88 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước trên mặt bằng tỷ lệ ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội đều tăng so cùng kỳ.

Cùng với việc tập trung thực hiện tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, công tác củng cố nâng cao chất lượng tín dụng luôn là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt. NHCSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị-  xã hội nhận ủy thác và các ngành, các cấp tập trung thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Bài và ảnh Hoàng Nam

Các tin bài khác