Giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách

12/04/2022
(VBSP News) Những năm qua, nhờ không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng của hệ thống chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã dễ dàng tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, mở ra cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
yen-bai-10422

Người nghèo vay vốn chính sách tại Điểm Giao dịch xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái)

Cầu nối vay vốn cho người nghèo
Với vai trò là cầu nối cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái đã đồng bộ triển khai trên toàn địa bàn với phương thức cho vay ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội. Quy trình từ giải ngân, thu nợ và quản lý toàn bộ quá trình chuyển vốn được thông qua mạng lưới Điểm giao dịch xã và mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mù Cang Chải, Bùi Văn Hóa cho biết: Với đặc thù là huyện 30a, có 91% dân số là đồng bào Mông nên mọi hoạt động của Phòng giao dịch đều tập trung vào người nghèo, đối tượng thụ hưởng chính sách. Phòng giao dịch luôn duy trì 183 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, bản để người dân thuận lợi, nhanh chóng hưởng thụ nguồn vốn này cho phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ đó, vốn tín dụng ưu đãi đã triển khai kịp thời tới 98 thôn, bản để cho 2.062 lượt hộ nghèo vay vốn, với tổng dư nợ đạt trên 303,5 tỷ đồng.
Nhằm xây dựng mạng lưới ủy thác, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn chính sách, chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái đã ký kết ủy thác với 4 tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên; ký kết ủy thác với 36 hội cấp huyện và 615 hội cấp xã. Mạng lưới ủy thác thông qua hợp đồng ủy nhiệm với 2.322 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản trên toàn tỉnh, đảm nhận toàn bộ nghiệp vụ của ngân hàng trực tiếp với người dân. Đồng thời, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện đều có sự tham gia của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.
Nhận xét về tính hiệu quả của mạng lưới ủy thác tại cơ sở, Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, Vũ Lê Chung Anh cho biết: Bên cạnh việc tư vấn chính sách, hướng dẫn thủ tục vay vốn theo quy định. Tại các Điểm giao dịch xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn có cán bộ tín dụng để phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trực tiếp kiểm tra việc sử dụng vốn vay tới từng hộ gia đình. Đồng thời, thẩm định phương thức đầu tư SXKD của các hộ dân; hướng dẫn các hộ tiếp cận với những mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao. Đây chính là cánh tay nối dài của Chính phủ tới người dân vùng sâu, vùng xa.
Với đặc điểm địa bàn rộng, đi lại khó khăn, cùng sự hạn chế trong nhận thức, hiểu biết về thủ tục và chính sách tín dụng là rào cản lớn nhất trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đối với người dân vùng cao như tỉnh Yên Bái. Việc duy trì hoạt động của Điểm giao dịch xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, bản là một giải pháp hữu hiệu, rất phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Yên Bái trong những năm vừa qua.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái Nguyễn Thanh Hải cho biết: Để các chủ trương của Đảng và chính sách của Chính phủ đến đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, chi nhánh thực hiện niêm yết công khai, minh bạch, đầy đủ các thủ tục, chính sách tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 100% Điểm giao dịch các xã và luôn duy trì, kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 100% thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là giải pháp tốt nhất để giúp người dân thuận tiện vay vốn và cán bộ tín dụng liên tục theo dõi, kiểm tra, giám sát trong quá trình sử dụng vốn vay của người dân.
Hiệu quả hoạt động tín dụng ở vùng cao
Để phát huy nguồn vốn vay ưu đãi có hiệu quả, bảo toàn nguồn vốn, đồng thời đảm bảo mục tiêu làm tốt công tác an sinh xã hội thì việc lựa chọn đối tượng cho vay, thẩm định, hướng dẫn, giám sát mục đích sử dụng vốn vay được chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái đặc biệt coi trọng. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, luôn cần có sự đồng hành trực tiếp của NHCSXH với đối tượng cho vay là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Để đảm bảo công tác này, theo Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu, Hoàng Đình Huân, ngay từ đầu năm, Phòng giao dịch luôn chủ động xây dựng kế hoạch, thông báo giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng kịp thời cho từng thôn, bản; chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn rà soát, thẩm định số hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chưa được vay vốn; phân tích, đánh giá tình hình sử dụng nguồn vốn vay của từng hộ gia đình; tổng hợp nhu cầu vay vốn theo các chương trình, và xây dựng kế hoạch tăng trưởng sát với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái đã triển khai hàng loạt giải pháp nâng cao hoạt động tín dụng cho người nghèo. Cụ thể, cải cách thủ tục và rút ngắn thời gian làm thủ tục cho vay; đồng bộ các chương trình cho vay, đa dạng kênh dẫn vốn; cập nhật và giải ngân kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi; nâng hạn mức tín dụng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đánh giá về hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu, Chủ tịch UBND xã Trang A Lồng cho biết: Hiện nay, các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã đều được hưởng nguồn vốn vay ưu đãi rất dễ dàng, không phải thế chấp; mục đích vay, phương án sử dụng vốn vay được cán bộ tín dụng thẩm định kỹ và đồng hành cùng người dân trong suốt thời gian vay vốn. Do vậy, người dân sử dụng vốn rất hiệu quả, nhiều hộ nhanh chóng thoát nghèo, ổn định đời sống, đồng thời đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi trong cộng đồng.
Thống kê của chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái, đến hết quý I.2022, dự nợ cho vay hộ cận nghèo đạt 538 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 566 tỷ đồng. Đặc biệt, cho vay hộ nghèo trên toàn tỉnh Yên Bái đạt trên 1.000 tỷ đồng với 23.200 hộ vay vốn, bình quân đạt gần 42 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn vay ưu đãi trên đã giúp cho hộ nghèo trên toàn tỉnh trồng mới, chăm sóc trên 15.700ha rừng, 330ha cây ăn quả; mua 8.400 con trâu, bò giống, 7.000 con lợn, dê, cừu giống và hơn 200.000 con giống gia cầm các loại.
Bằng các nghiệp vụ, biện pháp chỉ đạo tích cực, chủ động và cụ thể, hoạt động ủy thác vốn vay của chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái  ngày càng phát huy hiệu quả của nguồn vốn vay ưu đãi dành cho người nghèo, liên tục tăng nhanh cả về quy mô lẫn chất lượng ủy thác, nhất là hiện thực hóa chính sách ưu đãi của Chính phủ tới người dân vùng cao Yên Bái.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn chia sẻ: Nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự là một kênh chủ lực, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư vào sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và từng bước làm giàu. Từ đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh Yên Bái.

Bài và ảnh Tiến Khánh

Các tin bài khác