Dốc sức, tận tâm giúp người dân Yên Bái thoát nghèo

24/02/2022
(VBSP News) Đầu xuân về Yên Bái - nơi có nhiều tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy làm đầu mối của vùng Tây Bắc với những thắng cảnh đẹp như: ruộng bậc thang Mù Cang Chải, chè Suối Giàng, hồ Thác Bà, bỗng thấy lòng rộn ràng về sự đổi thay của những con đường mới mở ở các bản làng, nối tiếp những nương đồi xanh bát ngát. Đạt được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, sự đóng góp quan trọng của hệ thống chi nhánh NHCSXH tỉnh suốt 20 năm qua làm động lực thúc đẩy Yên Bái phát triển mạnh mẽ kinh tế, hoàn thành chương trình giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.
IMG_4924

NHCSXH huyện Văn Chấn giải ngân vốn chính sách đến với đồng bào trong mùa dịch

Dừng chân tại Văn Chấn, huyện có diện tích rộng lớn nhất tỉnh (1.130km2), với 18 đồng bào DTTS cùng sinh sống. Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh; trong đó, có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện đã giúp đồng bào các dân tộc phát triển nhanh đàn gia súc gia cầm, trồng mới và cải tạo chăm sóc nhiều vườn cây ăn quả, rừng cây nguyên liệu công nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 22,74% cuối năm 2021.
Ông Sa Đại Tương ở thôn Gốc Báng, xã Đồng Khê trước đây là hộ nghèo, cuộc sống rất khó khăn. Được Hội Nông dân xã tư vấn hỗ trợ, ông vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng để mua trâu, mua lợn giống về chăn nuôi. Với công sức lao động bền bỉ sau nhiều năm, ông Tương đã đưa gia đình thoát nghèo. Ngoài đàn trâu 6 con, gia đình ông đã mở rộng đất trồng cây bồ đề, đào ao thả ca, phát triển mô hình VAC mang lại thu nhập cho gia đình gần 200 triệu đồng/năm. “Cảm ơn Đảng, Nhà nước và NHCSXH đã quan tâm giúp đỡ để gia đình tôi có điều kiện để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống” ông Tương tâm sự.
Cũng được tiếp cận nguồn vốn vay NHCSXH, gia đình chị Lù Thị Lanh ở bản Lọng, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn đã cải thiện được đời sống. Qua các buổi sinh hoạt của Chi hội Phụ nữ xã, nhận thấy nhiều chị em đã thoát nghèo nhờ vay vốn để chăn nuôi, trồng rừng, chị đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH 80 triệu đồng để mua cây giống về trồng bồ đề, quế trên mảnh đất rộng 3,2ha. Kết hợp chăn nuôi bò sinh sản, cuộc sống của gia đình chị đã khấm khá hơn, có điều kiện để chăm lo cho con cái học hành đầy đủ.
Đến với Mù Cang Chải là huyện cao nhất, xa nhất, nằm về phía Tây tỉnh Yên Bái và được hưởng lợi từ Nghị quyết 30a của Chính phủ trong đó có các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH triển khai thực hiện. Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Văn Yên cho biết: Nguồn vốn chính sách đã tạo điều kiện cho địa phương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phủ xanh nhanh đất trống, đồi trọc bằng rừng cây nguyên liệu, góp phần đáng kể giảm hộ nghèo bình quân hàng năm 2,3%, để vùng cao xa đang xích lại gần với đồng bằng, thành thị.

IMG_4870

Hộ nghèo, hộ DTTS tỉnh Yên Bái tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển chăn nuôi

Tại vùng cao Mù Cang Chải, có hàng trăm, hàng nghìn hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn được vay vốn chính sách dễ dàng, kịp thời đầu tư khai thác tiềm năng thế mạnh ở miền núi, thoát cảnh nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như gia đình anh Mùa Chu Vàng, dân tộc Mông, ở bản Dào Xa, xã Kim Nọi đã sử dụng đồng vốn vay ưu đãi để chăn nuôi trâu bò sinh sản, trồng chè sạch. Nhờ chăm chỉ làm ăn, anh có thêm vốn đầu tư máy cày đất, và nhiều đồ dùng mới phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Từ những làng bản ở miền đất rộng Văn Chấn đến vùng cao xa Mù Cang Chải nhìn rộng ra cả tỉnh Yên Bái, đến nay, nguồn vốn của chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu giúp địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, và xây dựng nông thôn mới. Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái Nguyễn Thanh Hải cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo NHCSXH phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tập trung huy động các nguồn lực tài chính, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Dù gặp phải dịch COVID-19 bùng phát lan rộng, nhưng với tinh thần vượt khó, chi nhánh đã tích cực phòng chống dịch tốt, vừa đẩy mạnh huy động nguồn vốn và chuyển tải kịp thời, an toàn tiền vốn về tận xã phường, đến đúng đối tượng thụ hưởng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng của chi nhánh đạt trên 3.590 tỷ đồng với trên 22 nghìn lượt khách hàng vay vốn.
Đặc biệt, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, nguồn vốn ngân sách từ địa phương ủy thác sang NHCSXH là 59,5 tỷ đồng đã được chuyển tải kịp thời thông qua mạng lưới 173 Điểm giao dịch xã và hệ thống 2.076 Tổ tiết kiệm và vay vốn đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Với những kết quả đã đạt được, thời gian tới, những cán bộ tín dụng chính sách vùng núi cao Yên Bái sẽ tiếp tục bám sát các chính sách, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, tập trung huy động nguồn lực tốt hơn, nhiều hơn để chuyển tải kịp thời, an toàn, đầy đủ nguồn vốn về các làng bản, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Minh Uyên

Các tin bài khác