Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách

21/02/2022
(VBSP News) Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống sinh kế của người dân, chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch vừa giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng chính sách tới các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, góp phần phục hồi SXKD, bảo đảm an sinh xã hội.
h noi

Sau khi vay vốn của NHCSXH, hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Giầy Hồng Phúc đã nhanh chóng phục hồi

Ưu tiên giải ngân vốn cho người lao động
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại chi nhánh năm 2021 đạt 5.045 tỷ đồng với 117.300 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn thông qua 16 chương trình tín dụng. Trong đó, nổi bật nhất có thể kể đến chương trình cho vay người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn để phục hồi SXKD, tạo việc làm từ nguồn vốn của UBND thành phố và chương trình hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ.
Khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tương đối, người dân bắt đầu có thể quay lại để tổ chức SXKD thì vấn đề đầu tiên và cũng là khó khăn lớn nhất họ gặp phải đó chính là vốn. Thấu hiểu được điều này, chi nhánh thành phố đã phối hợp với các Sở, ngành tham mưu cho thành phố bố trí nguồn vốn ủy thác 500 tỷ đồng chuyển sang NHCSXH để cho vay người lao động ngay sau khi tình hình dịch được kiểm soát để họ có vốn tổ chức phục hồi SXKD.
Ngay sau khi tiếp nhận vốn uỷ thác, chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức bình xét, rà soát hộ vay theo đúng thứ tự ưu tiên của thành phố về đối tượng được vay vốn, ngành nghề vay vốn.
Phó Chủ tịch UBND xã Liên Châu, huyện Thanh Oai Nguyễn Văn Ích cho biết: Đến nay, những đồng vốn uỷ thác này đã mang lại hiệu quả rất tốt cho nhân dân trên địa bàn xã khôi phục hoạt động SXKD. Trước đó, chi nhánh cũng đã phối hợp chính quyền xã khẩn trương tổ chức việc hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân đến người dân một cách sớm nhất, giúp bà con có nguồn vốn để tổ chức lại hoạt động sản xuất.
Với 30 hộ vay, tổng dư nợ 1,5 tỷ đồng, thời gian qua, những tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn của chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Cự Thần, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai đều sử dụng vốn đúng mục đích. Với nguồn vốn vay NHCSXH, nên đã giảm bớt phần nào khó khăn cho các tổ viên trước dịch bệnh. Đặc biệt, trong 03 tháng cuối năm 2021, các chương trình cho vay được giảm lãi nên mọi người rất phấn khởi.
Theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Bắc, vốn vay chính sách đã hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển SXKD, cải thiện đời sống, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội của huyện. Năm 2021 toàn huyện Thanh Oai có 143 hộ thoát nghèo, 318 hộ thoát cận nghèo.
Người sử dụng lao động từng bước phục hồi sản xuất
Đối với chương trình hỗ trợ người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ, Phó Giám đốc chi nhánh Phạm Văn Quyết cho biết, chi nhánh đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện; phối hợp các Sở, ngành, cơ quan liên quan tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo triển khai từ khâu tuyên truyền, tập huấn đến phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo lập nguồn vốn tín dụng chính sách và tổ chức triển khai cho vay theo quy định. Đến hết năm 2021, chi nhánh đã kịp thời giải ngân được 162 tỷ đồng cho 157 lượt người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 38.020 lượt người lao động.
Tiếp nhận nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, anh Phùng Mạnh Tuyên - Giám đốc Công ty TNHH Giầy Hồng Phúc (phường Biên Giang, quận Hà Đông) chia sẻ, thủ tục vay vốn tại NHCSXH nhanh chóng, lãi suất 0% đã giúp cho Công ty trả lương cho người lao động kịp thời để đảm bảo cuộc sống; bản thân doanh nghiệp cũng được lợi từ chính sách này khi hoạt động SXKD không bị ngừng trệ.
Theo Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH quận Hà Đông Phạm Thị Liên, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ, đơn vị đã phối hợp với phòng Lao động, Thương binh và xã hội quận tham mưu cho UBND quận các nội dung triển khai; phối hợp với Bảo hiểm xã hội quận để nắm danh sách người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm trên địa bàn để rà soát  hơn 100 đơn vị doanh nghiệp - người sử dụng lao động về nhu cầu vay vốn.
Tiếp nối kết quả đã đạt được trong năm 2021 và trong bối cảnh dự báo năm 2022 tình hình dịch bệnh tiếp tục vẫn còn những diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến SXKD và đời sống việc làm, sinh kế của người dân, Phó Giám đốc chi nhánh Phạm Văn Quyết cho biết thêm, chi nhánh sẽ tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai có hiệu quả gói tín dụng phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2022 - 2023 Chính phủ giao cho NHCSXH khi địa bàn Hà Nội được phân bổ vốn. Đồng thời, tiếp tục triển khai chính sách cho vay người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch theo đúng quy định.

Bài và ảnh Phạm Linh

Các tin bài khác