Chuyển vốn kịp thời đến địa bàn khó khăn

15/02/2022
(VBSP News) Thực hiện chủ trương không để người nghèo, vùng đồng bào DTTS thiếu vốn, ngay sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi và Phòng giao dịch các huyện miền núi, hải đảo đã tập trung nhân lực đưa vốn chính sách đến tận xã. Qua đó, giúp người dân vùng khó khăn tiếp cận kịp thời nguồn vốn để phát triển kinh tế trong năm mới.

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ba Tơ giải ngân vốn ưu đãi cho người dân tại Điểm giao dịch xã Ba Giang ngay sau kỳ nghỉ Tết

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ba Tơ giải ngân vốn ưu đãi cho người dân tại Điểm giao dịch xã Ba Giang ngay sau kỳ nghỉ Tết

Tập trung giải ngân ngay từ đầu năm

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, tất cả cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ba Tơ được phân công mang vốn về 2 xã Ba Giang và Ba Nam để giải ngân. Người dân có mặt tại trụ sở UBND xã từ rất sớm để thực hiện giao dịch. Chị Phạm Thị Thia ở xã Ba Giang chia sẻ: “Bây giờ ăn Tết xong rồi tôi phải lo lên rẫy trồng keo, trồng mì. Phòng giao dịch NHCSXH huyện vừa về tận xã cho tôi vay 50 triệu đồng để mua cây giống về trồng. Có vốn rồi, tôi sẽ chăm chỉ làm ăn để có tiền trả nợ cho ngân hàng và vươn lên thoát nghèo”.

Với địa bàn rộng gồm 19 xã, thị trấn nên việc tổ chức phiên giao dịch ở các xã của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ba Tơ được thực hiện luân phiên, kể cả ngày nghỉ. Trong tháng 01.2022, đơn vị đã giải ngân 6 tỷ đồng cho hơn 120 hộ nghèo, đồng bào DTTS đang thiếu vốn đầu tư phát triển SXKD. Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ba Tơ Trần Thanh Hoàng cho biết: Đơn vị đã giải ngân 2% vốn được giao theo quy định của Trung ương. Đặc biệt, ngay trong ngày giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, Phòng giao dịch đã giải ngân 700 triệu đồng cho hộ nghèo là đồng bào DTTS ở 2 xã Ba Giang và Ba Nam. Đối với những xã đã qua ngày giao dịch do nghỉ Tết, đơn vị sẽ giao dịch bổ sung, đảm bảo nguồn vốn được giải ngân kịp thời đến các đối tượng có nhu cầu.

Những năm qua, huyện Ba Tơ luôn dành nguồn lực để chuyển qua Phòng giao dịch NHCSXH huyện để thực hiện ủy thác cho vay. Nguồn vốn năm sau luôn tăng hơn năm trước từ 200 - 300 triệu đồng, góp phần phát triển kinh  tế, tạo việc làm cho lao động ở miền núi. Tính đến nay, huyện Ba Tơ có hơn 7.000 hộ vay vốn NHCSXH, trong đó 83% là đồng bào DTTS.

Không chỉ người nghèo vùng cao, tại huyện đảo Lý Sơn, công tác rà soát đối tượng thụ hưởng, giải ngân cho vay cũng được triển khai ngay trong những ngày đầu năm mới. Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lý Sơn Trần Văn Nam cho biết: Hiện nay, huyện Lý Sơn không còn chính quyền cấp xã nhưng đơn vị vẫn mang vốn sang đảo Bé để giải ngân, tạo thuận lợi cho người dân. Ngoài nguồn vốn mới, đơn vị cũng linh động cho quay vòng nguồn vốn sau khi thu hồi nợ, không để nguồn vốn tồn sang ngày hôm sau.

Nỗ lực tăng trưởng vốn tín dụng

Trong năm 2022, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đề xuất Trung ương tăng trưởng nguồn vốn tín dụng chính sách 400 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn vốn của Trung ương, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh 30 tỷ đồng và ủy thác của các huyện, thị xã, thành phố khoảng 15 tỷ đồng chuyển qua sẽ góp phần đáp ứng đủ nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động… cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Trần Duy Cường cho hay, ngay từ đầu năm, hệ thống NHCSXH đã tổ chức họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về việc phân khai nguồn vốn để tập trung cho vay trong tháng 2 và 3.2022. Trên cơ sở nguồn vốn Trung ương giao, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã có kế hoạch giao chỉ tiêu nguồn vốn về các huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo nguồn vốn phân bổ đến đâu giải ngân đến đó. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động giao dịch ở các xã, công khai cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi để chính quyền và nhân dân địa phương biết và giám sát thực hiện.

Bài và ảnh Hồng Hoa

Các tin bài khác