“Bà đỡ” cho hộ nghèo

21/02/2022
(VBSP News) Với vai trò “bà đỡ” cho hộ nghèo, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh giải ngân vốn, tạo đòn bẩy giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
TNB-50264-01

Người dân miền núi trong tỉnh Quảng Nam phát triển kinh tế ổn định nhờ tín dụng chính sách

Nỗ lực huy động vốn
Đến ngày 14.2.2022, tổng nguồn vốn của chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam là 5.618 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp của ngân sách địa phương 487 tỷ đồng, vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh 948 tỷ đồng, còn lại là vốn của Trung ương. Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã ủy thác thêm vốn đến chi nhánh là 75 tỷ đồng, các huyện, thị xã, thành phố là 19 tỷ đồng (Hội An 5 tỷ đồng, Tam Kỳ 4 tỷ đồng).
Phó Giám đốc chi nhánh tỉnh Quảng Nam Trần Thị Minh cho biết: Tăng trưởng dư nợ theo kế hoạch trong năm 2022 đạt 9 - 11%, tương ứng với tăng 500 - 600 tỷ đồng so với năm 2021. Bởi vậy huy động vốn là vấn đề cấp thiết để đáp ứng nhu cầu tiếp cận tín dụng ưu đãi của người dân, nhất là các hộ nghèo, chính sách.
Từ đầu năm đến nay, chi nhánh tập trung đối chiếu, phân loại nợ đối với 100% khách hàng vay vốn. Đến nay, trong tổng số 130.878 khách hàng còn dư nợ, đã đối chiếu, phân loại được 19%, nguồn vốn và dư nợ cho vay đảm bảo khớp đúng, hầu hết khách hàng có khả năng trả nợ và chấp hành tốt việc trả nợ theo định kỳ cho ngân hàng. Tuy nhiên, có 17 món vay khách hàng không có khả năng trả nợ, gồm những hộ bỏ đi khỏi nơi cư trú, các hộ thuộc diện xử lý nợ rủi ro. Nợ quá hạn, nợ khoanh chiếm 0,16%.
Năm 2021, chi nhánh đã phát động, triển khai chương trình tuần lễ gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo, thu hút đông đảo người dân, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên tham gia ở Điện Bàn và Núi Thành. Trong năm nay dự kiến sẽ triển khai chương trình ở Duy Xuyên, Đại Lộc, Hội An, Tam Kỳ để làm giàu thêm nguồn vốn, đáp ứng đông đảo nhu cầu tiếp cận của người dân.
Đến nay, tổng nguồn vốn cho vay của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Núi Thành là 473,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn cân đối từ Trung ương hơn 377,4 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động tiền gửi, tiết kiệm số dư đạt hơn 71 tỷ đồng (tăng gần 1,4 tỷ đồng so với đầu năm). Giám đốc Phòng giao dịch huyện Núi Thành Nguyễn Hậu cho biết: Huy động vốn, tăng thêm nguồn vốn là điều kiện cần đầu tiên để tiếp sức vốn tốt hơn cho người dân. Đến nay, huy động vốn thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt hơn 26,3 tỷ đồng, tiền gửi tiết kiệm của các tổ chức, cá nhân hơn 45 tỷ đồng.
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bắc Trà My có cách huy động vốn trong năm 2022 là giao chỉ tiêu cho các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn với mức 18,6 tỷ đồng (tăng 5,5 tỷ đồng so với năm 2021). Phó Giám đốc Phòng giao dịch Phan Hồng cho biết: Hằng tháng, thông tin về lãi suất tiền gửi được công khai, minh bạch. Trong buổi giao dịch, cán bộ ngân hàng không chỉ thực hiện nhiệm vụ giải ngân, thu gốc và lãi định kỳ mà còn tuyên truyền, hướng dẫn người dân gửi tiền tiết kiệm. Đến nay, nguồn vốn của Phòng giao dịch là 450 tỷ đồng.
Tăng tốc giải ngân vốn vay
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Cần giải ngân tín dụng ưu đãi ngay từ đầu năm, nhất thiết không để trường hợp nào, đối tượng nào đủ điều kiện vay vốn mà không tiếp cận được tín dụng chính sách. Để tín dụng chính sách xuyên suốt, NHCSXH các cấp tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn. Căn cứ vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách và người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trở về địa phương, chủ động nắm bắt nhu cầu, xây dựng kế hoạch, cho vay, khẩn trương giải ngân vốn kịp thời, đáp ứng nhu cầu SXKD, tạo động lực phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Theo chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam, đến ngày 14.2.2022, đã có 4.256 khách hàng được vay vốn, doanh số cho vay là 169 tỷ đồng với 9 chương trình tín dụng chính sách. Theo đó, dư nợ tín dụng đạt 5.591 tỷ đồng (tăng 38 tỷ đồng so với đầu năm). Hiện nay, chi nhánh đang phối hợp với các Sở, ngành tập trung khảo sát nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Từ nay đến cuối năm, chi nhánh sẽ tăng tốc giải ngân các chương trình cho vay hỗ trợ việc làm; cho vay HSSV mua máy tính học trực tuyến và trang trải chi phí học tập; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay đầu tư công trình nước sạch, vệ sinh môi trường… Theo đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương rút ngắn thời gian về giải quyết hồ sơ, thủ tục, nhanh chóng đưa tín dụng chính sách đến người dân.

Bài và ảnh Việt Nguyễn

Các tin bài khác