Điện Biên nâng cao hoạt động ủy thác cho vay vốn

21/02/2022
(VBSP News) Thời gian qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh Điện Biên đã thực hiện tốt hoạt động ủy thác cho vay vốn thông qua các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh. Từ nguồn vốn vay này, nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn đã xây dựng được mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, ổn định cuộc sống và có những đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
dien bien

NHCSXH huyện Tủa Chùa thực hiện giao dịch tại xã

Hiện nay, chi nhánh đang phối hợp với 4 tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện hoạt động ủy thác, hỗ trợ vốn vay đến người dân. Tính đến ngày 31.1.2022, dư nợ ủy thác toàn tỉnh đạt trên 3.481 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ, tăng so với đầu năm 2022 hơn 22,484 tỷ đồng, với gần 2.208 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động. Để hoạt động ủy thác đạt hiệu quả, NHCSXH cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước về tín dụng ưu đãi, các chương trình tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, quá trình cho vay được thực hiện chặt chẽ, kiểm tra, kiểm soát đến từng hộ vay vốn.
Trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 129 xã, phường, thị trấn với 2.208 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Toàn tỉnh Điện Biên có 84.600 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo; hàng nghìn hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển kinh tế; trên 500 HSSV được hỗ trợ vay vốn đi học, đào tạo tại các trường chuyên nghiệp; gần 2.000 lao động được vay vốn để giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nhiều đối tượng chính sách khác.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Điện Biên Hoàng Ngọc Thương cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã tăng cường triển khai hoạt động ủy thác cho vay vốn tín dụng thông qua các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh. Hoạt động ủy thác nhận được sự đồng thuận của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự ủng hộ của các tầng lớp dân cư. Thông qua công tác ủy thác cho vay đã góp phần xây dựng, củng cố bộ máy và phong trào hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, thu hút thêm nhiều hội viên, đoàn viên tham gia; hoạt động thêm đa dạng và gần dân, sát dân hơn, hiệu quả hơn; tăng cường đoàn kết giữa các hội viên, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững. Đồng thời, nâng cao năng lực của cán bộ hội, đoàn thể tại cơ sở. Bên cạnh đó, việc gắn chất lượng hoạt động nhận ủy thác vào các tiêu chí thi đua đã tạo động lực thúc đẩy, nâng cao chất lượng ủy thác của tổ chức chính trị - xã hội các cấp; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt hơn, hướng dẫn, giúp người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả để có nguồn trả nợ, trả lãi ngân hàng.
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất có tiềm năng phát triển mô hình kinh tế VACR song trước đây, ông Vừ A Mang ở thôn Từ Ngài 1, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa chưa khai thác, phát huy được tiềm năng để phát triển kinh tế do thiếu vốn. Năm 2016, hoạt động ủy thác cho vay vốn tín dụng thông qua Hội Nông dân huyện Tủa Chùa đã hỗ trợ, tạo điều kiện giúp ông Mang vay vốn NHCSXH.
Ông Vừ A Mang cho biết: “Gia đình tôi vay vốn đầu tư nuôi lợn, gia cầm. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, “vừa làm vừa học hỏi”, năm đầu tiên doanh thu từ chăn nuôi của gia đình đạt trên 150 triệu đồng. Những năm tiếp theo, tôi tiếp tục mạnh dạn vay vốn, mở rộng quy mô và đa dạng các sản phẩm chăn nuôi gồm: 10 con trâu sinh sản, 15 con bò, kết hợp trồng 1,7ha rừng. Mô hình kinh tế tổng hợp phát huy hiệu quả tốt, năm 2019 gia đình tôi đầu tư mua một chiếc ô tô tải để vận chuyển hàng hóa. Đến nay, mô hình của gia đình đang tạo việc làm cho 7 lao động tại địa phương”.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tủa Chùa Lò Thị Hạnh cho biết: Năm 2021, hội đã tích cực phối hợp với NHCSXH cho hội viên vay vốn thông qua hoạt động ủy thác, với 60 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thực tế cho thấy, nguồn vốn không chỉ giúp hội viên nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập mà còn giúp thay đổi phương thức canh tác, nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Tủa Chùa tiếp tục xây dựng dự án mới, phù hợp tình hình thực tế địa phương; giúp thêm nhiều hội viên khó khăn được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.

Bài và ảnh Phạm Trung

Các tin bài khác