Tín dụng chính sách thổi bùng ý chí vươn lên thoát nghèo
Sau gần 20 năm thực hiện, chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là đúng đắn, hợp lòng dân, là giải pháp quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho trên 307 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo và duy trì việc làm cho trên 113 nghìn lao động; trên 11,8 nghìn lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; hơn 222 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; cho vay hỗ trợ xây dựng cải tạo 623 nghìn công trình NS&VSMTNT; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 37 nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo; 750 khách hàng được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và 14 người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc cho 834 lượt người lao động do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Thông qua việc tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hoạt động của chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001 - 2005 giảm từ 35,72% xuống còn 27,02%; giai đoạn 2006 - 2010 giảm từ 27,02% xuống còn 24,86%; giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 24,86% xuống còn 13,12%; giai đoạn 2016 - 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 13,51% năm 2015 xuống còn 1,51% năm 2021.
Vài năm trước, khi còn là hộ nghèo của xã, chị Phạm Thị Hằng ở thôn Chò Tráng, xã Cao Ngọc chẳng dám tin mình sẽ có những cánh rừng phủ xanh. Thông tin về nguồn vốn vay tín dụng chính sách của NHCSXH đã nhen nhóm cho gia đình chị hi vọng thoát cảnh khó khăn. Mạnh dạn vay vốn chính sách 50 triệu đồng chương trình hộ nghèo, chị Hằng dồn cả vào trồng rừng với các loại cây keo, luồng… Những cánh rừng nhờ bàn tay cần cù chăm sóc của chị luôn xanh tốt, phát triển mỗi ngày. Tiền bán keo, luồng khi thu hoạch, một phần chị trả nợ ngân hàng, còn lại chị tiếp tục mua cây giống, phân bón, chăm sóc rừng. Đến cuối năm 2020, gia đình chị đã thoát nghèo.
Chị Hằng chia sẻ: “Nguồn vốn thực sự rất quan trọng để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đối với hộ nghèo, nguồn vốn càng quan trọng hơn bội phần. Khoản vay nhỏ, không tài sản bảo đảm, lãi suất ưu đãi, thực sự là cứu cánh cho hộ nghèo”.
Hiện nay, chi nhánh thực hiện tổ chức giao dịch tại 559 Điểm giao dịch đặt tại 100% trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn; phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội quản lý 6.661 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 100% thôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh. Đến 31.3.2022, UBND tỉnh, UBND cấp huyện đã chuyển bổ sung hơn 406 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn vay vốn giải quyết việc làm.
Thời gian tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung triển khai tích cực và hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; huy động các nguồn vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; làm tốt công tác huy động tiền gửi từ cộng đồng dân cư, tiền gửi tiết kiệm tại các Điểm giao dịch xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức và nguyên tắc có vay có trả cho người dân. Tích cực rà soát, kiểm tra các khoản nợ có khả năng trả mà người vay chây ỳ; nắm chắc tình hình sử dụng vốn vay của người vay, quản lý chặt chẽ nợ đến hạn, nợ quá hạn của từng Tổ tiết kiệm và vay vốn, từng hộ vay để đôn đốc thu hồi không để nợ quá hạn phát sinh, đồng thời, thực hiện lồng ghép các dự án giúp hộ vay sử dụng vốn hiệu quả.
Bài và ảnh Khánh Phương
Các tin bài khác
- » Tây Ninh đồng hành cùng người dân phục hồi sản xuất
- » Đắk Nông tập trung nâng cao chất lượng hoạt động tại xã
- » Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Quảng Ngãi đạt hơn 4.090 tỷ đồng
- » Tổ hợp tác sản xuất nhang Phước An khôi phục sản xuất
- » Tân Kỳ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Hỗ trợ nguồn vốn, tạo sinh kế cho lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19
- » Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi ở Ba Bể
- » Tây Ninh: Hơn 51 tỷ đồng hỗ trợ vốn cho người nghèo
- » “Đòn bẩy” giảm nghèo bền vững
- » Vốn về với bản, với dân