HẬU GIANG 20 NĂM ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI NGHÈO (Bài 2: Khi người nghèo được đặt vào trung tâm xây dựng và thực thi chính sách)
Điều này có thể cảm nhận rõ từ việc dù là tỉnh nghèo ngân sách vẫn phụ thuộc vào Trung ương song lãnh đạo tỉnh Hậu Giang luôn dành sự quan tâm đặt biệt cho công tác tín dụng chính sách. Từ định hướng trao cho người dân “cần câu” và “dạy cách câu cá” thay vì cho không của tỉnh, chi nhánh NHCSXH Hậu Giang từng bước tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND cân đối phân bổ tối đa nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để đầu tư. Lúc đầu là cân đối thông qua việc tăng thu tiết kiệm chi để ủy thác qua NHCSXH cho vay người ngèo và đối tượng chính sách, mỗi năm cũng chỉ tối đa 10 tỷ đồng, trong khi đó nhu cầu vốn của người dân rất lớn. Hơn thế từ thực chứng hoạt động của NHCSXH trên điạ bàn lãnh đaọ tỉnh nhận thức rõ cho vay ủy thác qua NHCSXH hiệu quả kinh tế và xã hội rất cao và là 1 phương thức đầu tư phát triển kinh tế điạ phương bền vững. Từ đó tỉnh đã dành nguồn lực từ Quỹ Đầu tư Phát triển ủy thác qua NHCSXH. “Mà để có nguồn vốn này, đôi lúc tỉnh phải buộc dừng một số công trình chưa đến mức cấp thiết”, Giám đốc chi nhánh Nguyễn Thanh Triều tâm sự.
Chính vì lẽ đó mà sau khi triển khai Chỉ thị 40, nguồn vốn ủy thác điạ phương qua chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã tăng gần 191 tỷ đồng đưa tổng nguồn vốn ủy thác điạ phương lên 206 tỷ đồng.
Đặc biệt, với việc sát sao cơ sở, lắng nghe và thấu hiểu khó khăn của từng nhóm đối tượng yếu thế, Ban lãnh đaọ chi nhánh NHCXH báo cáo, tham mưu Tỉnh ủy và UBND nhiều chính sách tín dụng riêng có góp phần khỏa lấp những khoảng trống trong chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của điạ phương và tăng nguồn lực đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo.
Như trước đây, một số gia đình hộ có công với Cách mạng nhưng không có vốn làm ăn hoặc khó khăn về tài chính dẫn đến cầm cố sổ lĩnh tiền trợ cấp hàng tháng mà không có tiền chuộc về khiến trợ cấp của Nhà nước rơi vào túi những kẻ tư lợi, chi nhánh đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Chương trình cho vay đối với hộ gia đình người có công với Cách mạng chuộc sổ lĩnh tiền trợ cấp hàng tháng đã cầm cố từ nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác cho vay qua NHCSXH. Thực hiện từ năm 2007 đến 2017, theo quyết định số 1053/QĐ-UBND NHCSXH đã thực hiện giải ngân 516 đối tượng với số tiền hơn 8,5 tỷ đồng.
Tiếp đó năm 2017, chi nhánh tham mưu UBND tỉnh chính sách cho vay hỗ trợ vốn sản xuất đối với hộ gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh thực hiện từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua chi nhánh với mức vay tối đa bằng mức cho vay hộ nghèo cùng thời kỳ với thời hạn 5 năm đã và đang giúp nhiều gia đình vượt khó vươn lên phát triển kinh tế bền vững.
Như bà Trần Hoa Khởi, ấp Bình Hòa, xã Phương Phú là thương binh hạng 4, tỷ lệ thương tật 34% bị thương tại Rạch Gốc Cà Mau, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba và chồng cũng là thương binh hạng 4, khi tham gia Đoàn tàu không số, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba và đã mất cách nay 03 năm. Bà Khởi được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ vốn sản xuất đối với hộ gia đình người có công với Cách mạng để thực hiện phương án chăn nuôi heo và gia cầm. Hiện nay bà Khởi vừa xuất chuồng đươc 1.780kg heo thịt giống thường, hiện còn hơn 10 con heo đang chuẩn bị xuất chuồng và hàng chục con heo rừng, cùng đàn ngỗng. Đến 31/8/2022 chương trình này đã hỗ trợ vốn sản xuất cho 1.121 đối tượng người có công với số tiền hơn 63 tỷ đồng.
Cũng như bà Khởi đã có trên 1.500 lượt người có công với Cách mạng được vay về vốn sản xuất, với số tiền gần 64 tỷ đồng. Nhiều hộ đã vượt qua khó khăn vươn lên trở thành các hộ khá, hộ giàu càng minh chứng cho chính sách tín dụng thắm đượm ý Đảng, tình dân gửi đến những gia đình người có công với Cách mạng những thế hệ hy sinh 1 phần của bản thân bảo vệ quê hương.
Hay như chương trình cho vay đưa người lao động Hậu Giang đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước mà NHCSXH đang cho vay từ nguồn vốn ủy thác của điạ phương từ tháng 6/2022, hiện đã giải ngân cho 67 lao động với số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Song song chương trình cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài các đối tượng theo tại Nghị định số 61, Tỉnh Hậu Giang thực hiện cho vay mở rộng đối tượng theo tinh thần Nghị quyết số 23/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của HĐND tỉnh giải ngân cho 160 lao động với số tiền hơn 10 tỷ đồng tại các thị trường Nhật Bản; Đài Loan; Trung Quốc; Hàn Quốc. Các chương trình này không chỉ là một trong những giải pháp vươn lên thoát nghèo bền vững, tăng thu nhập bình quân đầu người, tạo việc làm cho người lao động mà hơn thế mang theo kỳ vọng của tỉnh tạo dựng nhân lực tiếp thu kỹ năng làm việc của các nước phát triển bổ sung cho lực lượng lao động tỉnh trong phát công nghiệp với 26 khu cụm công nghiệp đang dần hình thành, đẩy nhanh hành trình hòa nhịp cùng với nền kinh tế 4.0 trong thời kỳ kỷ nguyên số của tỉnh.
Tất cả những nỗ lực của hệ thống chính trị xã hội tỉnh cùng từng cán bộ chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã và đang hòa nhịp vào công cuộc phát triển kinh tế tỉnh. Từ 02 chương trình tín dụng (cho vay hộ nghèo, cho vay Quỹ Quốc gia về việc làm) nhận bàn giao ban đầu với dư nợ nhận bàn giao là 43,7 tỷ đồng, đến nay, chi nhánh đang triển khai 22 chương trình tín dụng chính sách. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện cho 582.962 nghìn lượt người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời với doanh số cho vay đạt 8.654,5 tỷ đồng.
Từ dòng vốn này, đã có 84.665 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 29.770 lượt lao động được thu hút, tạo việc làm; giúp cho trên 46.393 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng cải tạo 320.516 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; mua mới, xây dựng và sửa chữa 345 căn nhà cho người có thu nhập thấp,… Đồng thời hiện thực hóa các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là tại khu vực nông nghiệp nông thôn; khôi phục các làng nghề truyền thống, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật và các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, các sản phẩm dịch vụ OCOP của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 35/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 03 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; toàn tỉnh hiện có 105 sản phẩm, dịch vụ OCOP, trong đó có 48 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao; 57 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.
“Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống, được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, trở thành công cụ, giải pháp có tính lâu dài, bền vững góp phần thực hiện thắng lợi các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các Chương trình, Kế hoạch, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Thành tựu đã đạt được của tín dụng chính sách có thể được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng có của NHCSXH khác với các tổ chức tín dụng”, Phó chủ tịch UNND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh khẳng định.
Tính đến cuối tháng 8/2022, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hâu Giang đang hỗ trợ vốn cho 94.053 hộ với tổng dư nợ đạt 3.273 tỷ đồng, chung tay cùng chính quyền địa phương tiếp tục giải quyết bài toán giảm nghèo của tỉnh theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 toàn tỉnh (12,936 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,42% và 7.790 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,87%). Song “Câu chuyện của những người làm tín dụng chính sách Hậu Giang cũng như hành trình thời gian qua sẽ không chỉ là cho vay đúng, vay đủ mà hơn thế là hỗ trợ người dân bắt nhịp với kinh tế nông nghiệp, đi theo xu hướng thị trường. Trong đó mô hình kinh tế hợp tác là một phương thức phù hợp mà tới đây NHCSXH sẽ cùng các hội đoàn thể nhân rộng”, Giám đốc Triều cho biết. Bên cạnh đó, chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu điạ phương, ủy thác vốn qua NHCXSH để giải quyết các vấn đề mang tính đặc thù riêng điạ phương cũng như giải quyết việc làm nhất là trong bối cảnh cơ giới hóa đang thâm nhập sâu vào nông nghiệp, giúp họ tạo việc làm năng suất với giá trị gia tăng cao, để không chỉ giảm nghèo bền vững mà góp phần đưa Hậu Giang phát triển giàu đẹp, văn minh, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Việt Hải - Minh Nguyễn
Các tin bài khác
- » Hành trình 20 năm tận tâm, đồng hành phục vụ người nghèo Hải Dương
- » HẬU GIANG 20 NĂM ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI NGHÈO (Bài 1: Tối ưu hóa chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế)
- » Quảng Trị ưu tiên hỗ trợ thoát nghèo (VTV1 - 11h00 - 24.9.2022)
- » 20 năm qua Bạc Liêu giúp hàng hàng nghìn người thoát nghèo
- » Bạc Liêu thực hiện tín dụng chính sách: Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ
- » Hành trình 20 năm đồng hành cùng người nghèo Bạc Liêu (BTV - 23.9.2022)
- » Khánh Hoà tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng ưu đãi
- » Đồng Nai chỉ còn 0,8% hộ nghèo (VTV1 - 11h00 - 23.9.2022)
- » Đồng Nai có trên 600.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi
- » Tín dụng ưu đãi giúp hơn 66.500 hộ dân Quảng Trị vượt qua ngưỡng nghèo