Hành trình 20 năm tận tâm, đồng hành phục vụ người nghèo Hải Dương

24/10/2022
(VBSP News) Là cầu nối chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, sau 20 năm hình thành và phát triển, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hải Dương đã khẳng định vai trò, sứ mệnh của một mô hình quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên toàn tỉnh.
image001

Người dân tỉnh Hải Dương được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH ngay tại Điểm giao dịch xã

Đồng hành cùng người dân

Năm 2003, thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ/CP ngày 4/10/2002 về tín dụng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78), chi nhánh bắt đầu thực hiện 2 chương trình tín dụng gồm: chương trình cho hộ nghèo và chương trình cho vay giải quyết việc làm. Sau gần 20 năm hoạt động, nhiều đối tượng người dân, nhiều chương trình tín dụng chính sách đã được chi nhánh NHCSXH tỉnh triển khai. Đến nay, toàn hệ thống đã, đang thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng ưu đãi.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ở đội 4, thôn 2, xã Văn Hội, huyện Ninh Giang nhiều năm trước là một trong những hộ nghèo của địa phương. Năm 2017, gia đình ông Hùng được vay vốn tín dụng ưu đãi từ chương trình cho hộ nghèo vay. Năm 2019, gia đình ông tiếp tục được vay ưu đãi theo chương trình cho hộ mới thoát nghèo vay để đầu tư vào chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Từ chỗ chỉ trông chờ vào 6 sào ruộng khoán, đến nay, gia đình ông Hùng đã thoát nghèo, làm chủ một mô hình chăn nuôi với 4 con bò nái, gần 1.000 con vịt đẻ trứng. Gia đình vừa đầu tư thêm một lò ấp trứng để từng bước phát triển sinh kế. “Nếu không có nguồn vốn tín dụng ưu đãi, có lẽ gia đình tôi khó có được cuộc sống đủ đầy như ngày hôm nay”, ông Hùng tâm sự.

Sau 4 năm thực hiện mô hình trang trại tổng hợp trồng trọt kết hợp với chăn nuôi ở khu vực bãi Giữa, thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng, đến nay, tổng diện tích trang trại của gia đình anh Lê Văn Phương đã lên đến 2,7ha. Thông qua NHCSXH thị xã Kinh Môn, gia đình anh đã vay 70 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm và chương trình NS&VSMTNT.

Trong khu trang trại, khoảng 2.000m² được gia đình anh xây dựng làm khu nuôi đà điểu. Phần còn lại là khu vườn trồng thanh long ruột đỏ, bưởi, cam và một khu trồng thử nghiệm thanh long vỏ vàng. Ý chí của một thanh niên dám nghĩ, dám làm cộng với hiệu quả từ nguồn vốn chính sách ưu đãi đã giúp gia đình anh Phương vươn lên trong cuộc sống. Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của anh mang lại doanh thu bình quân hàng trăm triệu đồng/năm.

image002

Nhờ nguồn vốn chính sách, người dân có cơ hội cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập

Mới đây nhất, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, nhận nguồn vốn phân bổ từ Trung ương, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hải Dương đã khẩn trương triển khai 4 chương trình cho vay ưu đãi, góp phần giúp người dân có thêm nguồn vốn phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch COVID-19.

Thuộc diện hộ nghèo, đầu năm 2022, gia đình anh Lê Ngô Thạo và chị Nguyễn Thị Kim Chi ở thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc được NHCSXH cho vay ưu đãi theo chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến. Nhận được vốn vay ưu đãi, con gái của anh chị là cháu Lê Thị Thơm, học sinh lớp 6A, Trường THCS Hoàng Diệu đã có thêm công cụ học tập. Cháu Thơm chia sẻ: “Từ khi có chiếc máy tính, việc học tập của cháu thuận lợi hơn rất nhiều. Cháu có thể học thêm tiếng Anh từ nhiều phần mềm hay luyện tập tiếng Anh trực tuyến cũng như tải nhiều bài kiểm tra các môn để tự làm, tự kiểm tra kiến thức của mình”.

Các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi được mở rộng, phù hợp với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân, đặc biệt là các chương trình cho nhân dân vay phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Từ đầu năm 2022 đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân gần 8,1 tỷ đồng cho người sử dụng lao động vay để trả lương cho 890 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tổng doanh số cho vay sau gần 20 năm đồng hành cùng người dân của chi nhánh NHCSXH tỉnh Hải Dương đạt trên 14 nghìn tỷ đồng với hơn 746 nghìn lượt khách hàng vay vốn. Qua đó đã tạo thêm động lực, giúp gần 105 nghìn hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho khoảng 38 nghìn lao động; xây dựng gần 473 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; gần 118 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; trên 6,6 nghìn người lao động có vốn để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. 

Cầu nối tín dụng chính sách

image003

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tỉnh Hải Dương từng bước thoát nghèo, cải thiện đời sống

Nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi không chỉ giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong toàn tỉnh xuống mức thấp mà đã và đang góp phần tích cực trong bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương. Để có kết quả đáng tự hào từ những số liệu tích cực kể trên không thể thiếu vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cũng như các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Là cánh tay nối dài của NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã đến từng nhà, rà soát nhu cầu vay vốn của từng hộ dân nhằm chuyển tải kịp thời, đúng đối tượng nguồn vốn chính sách.

Gần 20 năm tận tụy giúp người dân tiếp cận vốn chính sách, bà Nguyễn Thị Quét - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn 2, xã Văn Hội, huyện Ninh Giang là một trong những cá nhân điển hình. Với vai trò Tổ trưởng, trước khi nhận nguồn vốn ưu đãi, bà Quét cùng nhiều tổ viên đã rà soát các hộ đủ điều kiện vay vốn, phổ biến quy định để người dân hiểu, từ đó sử dụng vốn vay đúng mục đích. “Trước đây nguồn vốn tín dụng còn khó khăn, mỗi hộ dân chỉ được vay tối đa 5 triệu đồng. Đến nay, mỗi hộ dân được vay tối đa đến 100 triệu đồng. Có thêm vốn, người dân khó khăn có điều kiện làm ăn, phấn khởi lắm”, bà Quét chia sẻ.

Thực hiện Nghị định 78, trải qua những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ từ những ngày đầu thành lập, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hải Dương đã xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm về chất lượng, với tinh thần trách nhiệm cao và mạng lưới hoạt động phủ kín địa bàn. Qua đó bảo đảm năng lực để chuyển tải nguồn vốn ưu đãi tới hộ nghèo và đối tượng chính sách. Để hoạt động tín dụng chính sách xã hội được triển khai dân chủ, công khai, với cách thức “Giao dịch tại nhà; giải ngân, thu nợ tại xã”, ngoài giao dịch tại trụ sở, hệ thống đã phối hợp với chính quyền địa phương mở và duy trì hoạt động tại 230 Điểm giao dịch, trong đó có 4 Điểm giao dịch liên phường. Điểm giao dịch xã là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, cũng là một đặc thù riêng của Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội phục vụ người dân. Tại các điểm giao dịch xã đã công khai các chương trình vay vốn, các thông tin về chính sách tín dụng, thủ tục hành chính.

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Văn Thành cho biết: Đã có trên 14 nghìn tỷ đồng được giải ngân cho hộ nghèo và đối tượng chính sách. Dư nợ tín dụng chính sách hiện nay đạt trên 4 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 16 lần khi mới thành lập. Qua đó góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho SXKD cũng như nhu cầu thiết yếu trong đời sống của hộ nghèo và đối tượng chính sách. Trong điều kiện cán bộ ít, mạng lưới rộng, dư nợ hằng năm tăng trưởng với tốc độ cao song chi nhánh NHCSXH tỉnh luôn nỗ lực để bảo đảm chất lượng hoạt động.

Phát huy những kết quả đạt được, Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Hải Dương tiếp tục tập trung nguồn lực và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn theo đúng chủ trương, định hướng của Chính phủ, của UBND tỉnh phù hợp với từng giai đoạn. Phấn đấu phát triển ngân hàng theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm cung cấp dịch vụ tới tất cả người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn; tăng trưởng dư nợ hằng năm từ 5 - 8%; số tiền lãi phải thu đạt trên 98%; tỷ lệ giao dịch tại xã đạt trên 95%; bảo đảm chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1% tổng dư nợ.

Bài và ảnh Hà Kiên - Thanh Hoa

Các tin bài khác