Quảng Nam, Bình Định triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động (Bài cuối: Tiếp tục hành trình phục hồi, phát triển)

07/09/2022
(VBSP News) Sau thời gian cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam và tỉnh Bình Định đã bước đầu đạt được kết quả khả quan. Điều đó được thể hiện qua sự ổn định của nền kinh tế - xã hội cũng như đà tăng trưởng ổn định của 2 tỉnh Bình Định, Quảng Nam… Các chương trình tín dụng chính sách đã được giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ SXKD của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
TAm Quan

Nghị quyết số 11/NQ-CP đã đi vào cuộc sống, giúp hàng nghìn công nhân có việc làm

Rốt ráo vào cuộc
Quảng Nam là địa phương có số lượng lớn doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 năm 2021. Ngoài việc thực thi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Nhà nước một cách tích cực, kịp thời, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành riêng Nghị quyết số 45 vào ngày 22/7/2021 để thực hiện hỗ trợ đối với một số nhóm đối tượng đặc thù.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã chủ động triển khai làm tốt công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ lãi suất và các chính sách tín dụng để người dân nắm bắt, thực hiện; phối hợp với Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương rà soát nhu cầu, xác nhận đối tượng vay vốn.
Trên cơ sở đó, năm 2022, chi nhánh được Trung ương phân bổ nguồn vốn là 249,1 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ tạo việc làm là 50 tỷ đồng; nhà ở xã hội là 155 tỷ đồng; HSSV có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến là 7 tỷ đồng; chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS là 36,5 tỷ đồng; cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 là 600 triệu đồng. Đến 16/5/2022, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã giải ngân số tiền là 69,4 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch được giao, cụ thể: chương trình hỗ trợ tạo việc làm là 50 tỷ đồng, đạt 100%; nhà ở xã hội là 17,42 tỷ đồng, đạt 11,2%; HSSV có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính là 1,98 tỷ đồng, đạt 28,3%.
Tại tỉnh Bình Định, với tinh thần “ngay và luôn”, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định đã khẩn trương giải ngân hơn 40 tỷ đồng vốn được giao. Đặc biệt, NHCSXH TX Hoài Nhơn đã giải ngân được 31 tỷ đồng. Tại huyện Phù Cát, ngoài việc bảo đảm giải ngân vốn vay cho các đối tượng khó khăn, NHCSXH huyện cũng tích cực phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền đến các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn về chính sách cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay, đơn vị đã cho 3 doanh nghiệp trên địa bàn vay vốn với số tiền gần 2 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 600 lao động…
Còn nhiều khó khăn
Các chính sách gồm hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, quy định đối tượng hỗ trợ đều gắn với điều kiện người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị, cơ sở…, phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19, hoặc người lao động trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây cũng là yếu tố khiến tiến độ giải ngân ở nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Nam, Bình Định gặp khó khăn.
Thực tế, trên địa bàn 02 tỉnh Bình Định và Quảng Nam có rất ít doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị, cơ sở… thuộc diện nêu trên. Song, họ lại gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận tải hành khách… Vì vậy, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này thường thỏa thuận với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, làm việc luân phiên hoặc cắt giảm lao động. Do đó, theo quy định đối tượng được hỗ trợ nêu trên thì người lao động trong các trường hợp này sẽ không được hỗ trợ.
Mặc dù, việc tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của các doanh nghiệp để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động có thuận lợi hơn trước đây; tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn khi các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Cụ thể, quy định người lao động phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên mới được vay vốn là rất khó. Trên thực tế, để bảo đảm thu nhập cho người lao động, không ít doanh nghiệp phải thực hiện chế độ nghỉ luân phiên (đi làm 1 tuần, nghỉ 1 tuần) đối với từng bộ phận sản xuất. Vì vậy, khi đối chiếu quy định, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện được vay vốn, dù thực tế người lao động ngừng việc hơn 15 ngày, nhưng không liên tục.
Mặt khác, để tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, doanh nghiệp phải bảo đảm các tiêu chí như “người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn, có người làm việc theo hợp đồng đang tham gia BHXH bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn”. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, phần lớn doanh nghiệp ít nhiều đều vướng vào tiêu chí nợ xấu tại ngân hàng, đồng thời quy định chưa đề cập rõ tiêu chí về nợ xấu. Chưa kể, nguồn vốn cần có để triển khai chương trình là một trong những thách thức lớn đặt ra cho NHCSXH.
Bởi vậy, để góp phần đẩy nhanh gói hỗ trợ đến với người dân, doanh nghiệp, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Nam đã chủ động phối hợp với cơ quan liên quan, nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực và quản trị, điều hành; tập trung quản lý, theo dõi thu hồi nợ, giải ngân cho vay đối với các chính sách, thực hiện giải ngân các chính sách mới ban hành để bảo đảm cho vay tín dụng kịp thời, bảo đảm chất lượng, khả năng thu hồi cao, phát sinh dư nợ xấu thấp nhất để hoàn thành hiệu quả nhiệm vụ được giao trong góp phần vào kết quả chung của Nghị quyết số 11/NQ-CP.
BOX: Đến nay, NHCSXH đã giải ngân được gần 10.000 tỷ đồng trên tổng số 38.400 tỷ đồng được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022. Dự kiến trong 2 năm, con số này sẽ đến được các địa chỉ được hỗ trợ.

Bài và ảnh Thái Bình - Trần Việt

Các tin bài khác