Hành trính tín dụng chính sách 20 năm trên đất Sơn La (Bài 1: Mai Sơn mùa quả ngọt)

06/09/2022
(VBSP News) Bước chân vào địa phận bản Nong Xôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La), hình ảnh mà đoàn công tác chúng tôi thấy được là những chùm nhãn to, căng, mọng lúc lỉu, chỉ khẽ giơ tay là chạm vào liền. Một màu xanh bạt ngàn của xoài, nhãn và thanh long khiến các thành viên trong đoàn ai cũng háo hức muốn sà vào ôm cả mớ trái cây tươi ngon về Hà Nội.
mai-son3

Một buổi họp định kỳ của Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Nong Xôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn

Tín dụng chính sách - giải pháp không thể thiếu trong công cuộc giảm nghèo
Chúng tôi về xã Hát Lót, tìm hiểu thông tin tại một số Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn, thăm quan một số mô hình vay vốn tín dụng hiệu quả nơi đây. Nằm trong tam giác kinh tế Mai Sơn - Mường La - Thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn đang trở thành một trong những vùng có tốc độ phát triển nhanh của tỉnh. Điều gây chú ý với đoàn công tác chúng tôi là những vườn nhãn trĩu trịt quả và bạt ngàn màu xanh của vườn xoài, vườn nhãn.
Mai Sơn có 4 cụm kinh tế chủ yếu: Cụm kinh tế quốc lộ 6 gồm 1 thị trấn và 6 xã; Cụm kinh tế vùng hồ Sông đà 3 xã; Cụm kinh tế quốc lộ 4G gồm 7 xã; Cụm kinh tế vùng cao biên giới 4 xã. Đặc biệt, hệ thống giao thông khá thuận lợi với đường bộ có Quốc lộ 6 (AH13), Quốc lộ 6C, Quốc lộ 37 và Quốc lộ 4G đi qua; đường thủy với cảng thủy nội địa Tà Hộc trên sông Đà. Đáng chú ý là đường hàng không với Cảng hàng không nội địa sân bay Nà Sản hiện đang trong giai đoạn trùng tu và nâng cấp theo hướng là sân bay nội địa cấp 4C theo quy định Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Ít ai ngờ rằng, trước kia, dù có khá nhiều điều kiện thuận lợi, Mai Sơn vẫn là một huyện nghèo, có tốc độ phát triển chậm. Nhưng vài năm trở lại đây, cùng với quyết tâm cao của hệ thống chính trị huyện, cấp ủy và chính quyền địa phương cùng sự đồng thuận của đông đảo bà con nhân dân nơi đây, trong đó phải kế đến cả đóng góp của nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, kinh tế - xã hội huyện đã từng bước “thay da đổi thịt” và thậm chí khởi sắc.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Thị Hồng khẳng định: Nguồn vốn tín dụng chính sách là giải pháp không thể thiếu trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Kết quả hoạt động 20 năm là minh chứng rõ nét về quyết định đúng đắn của Chính phủ thực hiện tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Sau nhiều thử thách khó khăn đến nay NHCSXH huyện Mai Sơn đã và đang thực hiện thành công Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, tạo được lòng tin đối với nhân dân, với các cấp ủy đảng, chính quyền góp phần vào thành công chung của huyện về công cuộc giảm nghèo của địa phương.
Điều đặc biệt là mô hình hoạt động của NHCSXH đã huy động được tiềm năng to lớn về trí tuệ, sức người, sức của toàn xã hội vì sự nghiệp giảm nghèo, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Đội ngũ cán bộ tâm huyết yêu ngành, yêu nghề, luôn vượt qua mọi thách thức khó khăn để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”. Dưới sự lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện luôn quan tâm chỉ đạo hoạt động của NHCSXH, sự giúp đỡ của chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La đã tạo thuận lợi cho huyện Mai Sơn hàng năm tăng thêm nguồn vốn để đầu tư cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác.
Hợp đồng ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn thực sự đã phát huy được sức mạnh của cộng đồng, phát huy hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội, cụ thể bộ mặt nông thôn được khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo và các tệ nạn xã hội giảm dần.
Nhân rộng vườn xanh từ tín dụng chính sách

mai-son2

Cán bộ NHCSXH huyện Mai Sơn kiểm tra và thăm mô hình vay vốn của hộ dân trên địa bàn

Gia đình anh Nguyễn Đắc Tuấn ở bản Nong Xôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn đã có những bước phát triển vượt bậc trong sản xuất chăn nuôi trồng trọt, tự tạo được việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình, thu nhập được nâng lên đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện rõ rệt. Có được kết quả đó là nhờ vào các chính sách của Đảng, Nhà nước về nguồn vốn tín dụng dành cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Năm 2002, gia đình anh thuộc diện nghèo, sau khi được tư vấn của Tổ tiết kiệm và vay vốn bản, gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH 30 triệu đồng để mua cặp bò sinh sản về nuôi, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại gia đình. Sau 3 năm, bò đã sinh sản được hai con, gia đình bán đi đủ trả nợ ngân hàng.
Cuối năm 2013, gia đình anh Tuấn nhận thấy mô hình trồng cây ăn quả như xoài, nhãn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại bản, anh đề xuất với Tổ tiết kiệm và vay vốn bản đề nghị được vay tiếp 50 triệu đồng vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư trồng xoài và nhãn. Sau khi được NHCSXH huyện giải ngân, cùng với số vốn tích lũy, anh đã mạnh dạn trồng 200 gốc nhãn, 500 gốc xoài trên diện tích đất 1ha. Sau 3 năm, cây đã bắt đầu cho quả, đến nay, vườn cây đã cho quả thường xuyên, bình quân hằng năm thu hoạch từ 3 - 4 tấn nhãn, 15 - 20 tấn xoài, tổng thu nhập của gia đình anh đạt từ 140 - 200 triệu đồng/năm.
Đầu năm 2022, sau khi tham quan mô hình chăn nuôi bò tại Hợp tác xã nông nghiệp Sơn La, được cán bộ hợp tác xã hướng dẫn kĩ thuật chăn nuôi bò, gia đình anh đã vay vốn NHCSXH thêm 90 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm để mua thêm bò sinh sản, đến nay, đã có 16 con bò. “Nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, cộng với các mặt hàng nông sản được giá, chăn nuôi không bị rủi ro, kinh tế gia đình tôi từng bước được cải thiện, từ chỗ nhà tạm bợ, thiếu thốn trăm bề đến nay đã tạo lập được cơ sở khang trang với cuộc sống ấm no, ổn định”, anh Tuấn chia sẻ.
Tại cuộc họp định kỳ của Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Nong Xôm, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hát Lót Đào Trung Việt chia sẻ: Từ khi thực hiện nhiệm vụ nhận ủy thác vốn với NHCSXH, chúng tôi luôn xác định phải làm tốt vai trò “cánh tay vươn dài” của NHCSXH, tuyên truyền phổ biến mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân trên địa bàn và truyền tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi là được quan tâm nhất. Để phát huy tối đa hiệu quả, chúng tôi nhận thấy ngoài phương án sản xuất tốt còn phải có sự quan tâm, đôn đốc, hướng dẫn, định hướng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, mục tiêu đã xác định. Từ đó động viên được tinh thần sản xuất, kinh doanh của các tổ viên yên tâm sản xuất.
Thông qua hoạt động ủy thác, nhận thức của cán bộ đoàn viên thanh niên cũng được nâng cao rõ rệt, đoàn viên thanh niên hiện nay có hiểu biết được nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau để có thể tư vấn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác các kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi chờ giúp bà con phát triển kinh tế.
Theo Giám đốc NHCSXH huyện Mai Sơn Cầm Văn Sơn, xác định mục tiêu là giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay có hiệu quả tạo thêm việc làm tăng thu nhập ổn định đời sống, công tác kiểm tra, giám sát các hộ vay vốn trong việc sử dụng vốn vay được NHCSXH huyện quan tâm và đặt lên hàng đầu. Thời gian qua, NHCSXH huyện đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thức kiểm tra giám sát quá trình sử dụng vốn vay của các hộ vay vốn 100% món vay phát phát sinh trong tháng đều được kiểm tra đánh giá. Qua hoạt động kiểm tra đánh giá các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả được nhận nhân rộng, các tổ chức cá nhân điển hình được để xuất kiến nghị với cấp trên khen thưởng kịp thời.
Thời gian tới, phát huy những thành tựu đã đạt được trong hành trình truyền tải vốn tín dụng chính sách tại địa phương, NHCSXH huyện Mai Sơn sẽ tiếp tục tập trung sử dụng hiệu quả việc tăng cường nguồn lực cho NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội; nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH phát triển theo hướng tự chủ, ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước cho các đối tượng chính sách xã hội theo quy định.

Bài và ảnh Lê Anh

Các tin bài khác