Động lực thoát nghèo từ tín dụng chính sách
Phát triển chương trình vay vốn
Từ khi mới hoạt động năm 2003, NHCSXH huyện Phù Cát thực hiện 1 chương trình tín dụng ưu đãi hộ nghèo, đến nay đang thực hiện 16 chương trình tín dụng ưu đãi. Từ đó, chính sách tín dụng ưu đãi đã lan tỏa đến nhiều đối tượng theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP. Đến ngày cuối tháng 6/2022, tổng dư nợ của đơn vị đạt 642 tỷ đồng, tăng gấp 110 lần so với năm 2002. Trong đó, nguồn vốn Trung ương đạt 598 tỷ đồng, chiếm 93,1% trên tổng dư nợ; dư nợ nguồn vốn địa phương đạt 44 tỷ đồng, chiếm 6,9% tổng dư nợ.
Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH huyện Phù Cát Trần Quốc Đạt cho biết: “20 năm triển khai các chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho 22.677 hộ thoát nghèo, tạo việc làm mới cho 12.461 lao động ở địa phương. Những năm qua ngân sách địa phương cũng ủy thác sang NHCSXH là 5,6 tỷ đồng. Ngoài ra còn hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc; quan tâm bố trí địa điểm, đảm bảo an ninh, an toàn đối với hoạt động giao dịch của NHCSXH tại các Điểm giao dịch xã”.
“Bà đỡ” cho hộ nghèo
Hầu hết các hộ nghèo, hộ cận nghèo đều cần vốn. Gia đình chị Trương Thị Bích Điều ở thôn Tân Hòa, xã Cát Tân từng là hộ nghèo. Giai đoạn 2010 - 2012, chị chăm con nhỏ, chồng lại mắc bệnh tim, nhiều nỗi chật vật, bộn bề. Sau khi chồng thay van tim tại Bệnh viện Trung ương Huế vào năm 2012, chị Điều chuyên tâm vào kinh tế gia đình. Được bố mẹ cho một phần đất vườn để dựng chuồng trại chăn nuôi, trồng cỏ, theo sự hướng dẫn của cán bộ địa phương, chị Điều vay vốn hộ nghèo mua bò, heo, gà. Từ hộ nghèo rồi trở thành hộ cận nghèo. Tận dụng 100 triệu đồng vốn ưu đãi dành cho hộ cận nghèo vào năm 2019, chị đã mở rộng chăn nuôi. Hiện nay, gia đình chị Điều đã có 16 con bò trong chuồng, trong đó có 8 con bò cái; đàn heo hiện có 5 con nái, 50 con heo lứa. Đến năm 2021, gia đình chị thoát khỏi hộ cận nghèo.
“Nhìn lại chặng đường vừa qua, nhờ nguồn vốn chính sách mà cuộc sống tôi đổi đời. Giờ thì chỉ mong thời tiết thuận lợi, dịch bệnh không xảy ra để tiếp tục làm lụng chăm chỉ, tích lũy, trả vốn vay đúng hạn, xây dựng cuộc sống vững vàng hơn”, chị Điều chia sẻ.
Cũng là hộ cận nghèo, được vay 70 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Kim Xuyến ở thôn Bình Đức, xã Cát Tân chọn đầu tư vào mô hình nấm. Tận dụng lại chuồng trại có sẵn, chị Xuyến xây dựng các trại nấm quy mô nhỏ để cung cấp nấm cho các tiểu thương. “Mỗi đợt, nhà tôi bán gần 200kg nấm. Ngoài 6 trại nấm quy mô nhỏ trong vườn, tôi đang đầu tư thêm một trại nấm quy mô lớn hơn với số tiền hơn 100 triệu đồng. Đầu ra thuận lợi nên tôi càng làm càng say mê. Tôi mong ước trong tương lai gần có thể tự sản xuất được phôi nấm. Rất mong lúc đó, tôi tiếp tục được tạo điều kiện về vốn vay chính sách, bởi đồng vốn của Nhà nước giúp tôi giảm bớt áp lực trong quá trình sản xuất”, chị Xuyến tâm sự.
Bài và ảnh Nguyễn Muội
Các tin bài khác
- » Tiếp tục triển khai cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
- » Hành trình 20 năm giảm nghèo ở Quảng Ngãi
- » Gam màu tươi sáng trong hoạt động tín dụng chính sách ở Đức Trọng
- » Mang vốn tín dụng chính sách đến tận tay người dân
- » Cho Hợp tác xã vay trên 16 tỷ đồng
- » Quận Đống Đa: Tín dụng chính sách kết “trái ngọt”
- » Tín dụng chính sách giúp nông dân Phú Thọ thoát nghèo
- » Có vốn ưu đãi tiếp sức, nông dân Hội An vươn lên làm giàu
- » Huyện Lục Nam đồng hành với người nghèo (Bài cuối: Bảo Sơn không đơn độc)
- » Huyện Lục Nam đồng hành cùng người nghèo (Bài 1: Tạo sức bật cho người yếu thế)