Huyện Lục Nam đồng hành cùng người nghèo (Bài 1: Tạo sức bật cho người yếu thế)

28/06/2022
(VBSP News) Huyện Lục Nam (Bắc Giang) vốn là huyện thuần nông với nhiều đặc sản nông nghiệp. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, các sản phẩm này mới thực sự được lan tỏa rộng rãi và đã có 13 sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa tập thể, chỉ dẫn địa lý; 9 sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao, 2 sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao... Sự thay đổi ngoạn mục này là kết quả của đường lối, chiến lược phát triển đúng đắn và khát vọng đổi mới của cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong huyện. Tất cả đã tạo nên sức mạnh, điều kiện để Lục Nam bứt phá, nhất là những người yếu thế vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân và quê hương.
2M8A0488

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hộ nghèo Chu Văn Được ở thôn Quất Sơn, xã Bảo Sơn cải tạo vườn đồi, trồng dứa hàng hóa

Từ khát vọng đổi mới
Vùng đất sông Lục, núi Huyền thuần nông ngày nào giờ đang bước những bước vững chắc trên con đường trở thành trung tâm công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch của tỉnh Bắc Giang. Đích đến này đã được cả hệ thống chính trị chuẩn bị kỹ lưỡng và nỗ lực trong từng khâu, từng việc; tất cả nhằm thay đổi toàn diện đời sống người dân, nhất là đời sống các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách.
Đến nay, Lục Nam có tới 33 cánh đồng mẫu, 41 mô hình công nghệ cao; nhiều vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp như Trà Hoa vàng, Lựu chanh, Khoai lang Bắc Lũng; vùng trồng cây ăn quả trên 6.500ha; vùng lúa chất lượng khoảng 700ha cùng hơn 30 mô hình nhà màng, nhà lưới sản xuất rau, quả an toàn… Đã có 13 sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa tập thể, chỉ dẫn địa lý, 9 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao, 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân tiêu chí/xã đạt 17,29 tiêu chí, đạt 106,6% kế hoạch. Cùng với đó, 4 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 1.601ha đã được huyện quy hoạch, 7 cụm công nghiệp với diện tích 401ha, thu hút 48 dự án gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận đầu tư, tạo “đòn bẩy” đưa huyện Lục Nam trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Bắc Giang.
Kết thúc năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 nhưng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của quần chúng nhân dân, đặc biệt là sự đồng hành của NHCSXH, Lục Nam đã thu hoạch được những kết quả đáng khích lệ: 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của HĐND huyện hoàn thành kế hoạch, trong đó có 9 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch: thu ngân sách; giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp; tổng sản lượng lương thực có hạt; tỷ lệ che phủ rừng; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên; giải quyết việc làm mới; tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học; tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,69%, giảm 1,02% so với năm 2020.
Cộng hưởng sức mạnh của vốn ưu đãi
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Trần Văn Lâm cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn tỉnh giảm từ 13,93% (năm 2015) xuống còn 2,69% (năm 2020) là một bứt phá đầy nỗ lực của địa phương. Trong đó, vai trò của các cán bộ NHCSXH với phương thức hoạt động đặc thù, chương trình tín dụng phù hợp, đã cộng hưởng thêm sức mạnh cho địa phương trong công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững.
Tính riêng kết quả hoạt động của NHCSXH huyện Lục Nam đến hết tháng 5/2022, tổng nguồn vốn đạt trên 720,8 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH hơn 18,7 tỷ đồng. Những con số này cũng phần nào cho thấy, sự nỗ lực của NHCSXH huyện Lục Nam trong việc tìm kiếm, huy động nguồn vốn đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của nhân dân. Doanh số cho vay đạt trên 103,3 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt gần 72 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt hơn 720 tỷ đồng đạt 99% so với kế hoạch năm, tăng hơn 31,7 tỷ đồng so với 31/12/2021. Đáng chú ý, trong bối cảnh là địa phương đầu tiên bị đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 “ghé thăm” nhưng nợ quá hạn của NHCSXH huyện Lục Nam là 367 triệu đồng, chỉ chiếm tỷ lệ 0,05% so với tổng dư nợ. Số xã không có nợ quá hạn 15/25 xã thị trấn chiếm 60% số xã không có nợ quá hạn.
NHCSXH huyện Lục Nam cũng là một trong số các đơn vị có kết quả giải ngân khá cao trong thực hiện các chương trình cho vay theo các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ. Hiện nay, NHCSXH huyện Lục Nam đang thực hiện cho vay 4/5 chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị Quyết số 11/NQ-CP, gồm: Cho vay đối với HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; cho vay nhà ở xã hội; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tổng số khách hàng đã được giải ngân cho vay là 112 khách hàng với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân cho vay đối với 30 khách hàng vay vốn chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng số tiền 3 tỷ đồng.
Giám đốc NHCSXH huyện Lục Nam Trịnh Hữu Ngọc Nam cho biết: Cá nhân mỗi cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện Lục Nam đều thấy rõ trách nhiệm của mình trước Đảng, Chính phủ và những người yếu thế. Do đó, 20 năm hoạt động, dù phải đối mặt rất nhiều gian nan, thử thách nhưng với tinh thần đoàn kết, toàn đơn vị đã chủ động bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương, triển khai nhiều giải pháp phù hợp, tập trung huy động nguồn lực tài chính, tổ chức chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đúng các đối tượng thụ hưởng.

Bài và ảnh Bình Nhi

Các tin bài khác