Gieo niềm tin cho người yếu thế

23/06/2022
(VBSP News) Những năm qua, kể cả khi đại dịch COVID-19 hoành hành, Đảng, Nhà nước và trực tiếp là những người làm chính sách vẫn dành cho các đối tượng người nghèo, người yếu thế, gia đình chính sách sự hỗ trợ kịp thời, ưu đãi nhất. Nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi hậu COVID-19 ra đời và mới đây nhất là Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Nghị định số 36/2022/NĐ-CP đối với các khoản vay tại NHCSXH đã giúp người dân vững vàng bước tiếp trên con đường phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh và giảm nghèo bền vững.
_Files_Images_2022_06_16_Anh bai 3

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi thêm một lần nữa trao cơ hội cho các em học sinh nghèo ở xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ

Niềm vui nhỏ từ khoản hỗ trợ 2%
Phiên giao dịch NHCSXH tại xã Văn Lăng hôm 10/6/2022 như vui hơn và đông đúc hơn mọi lần. Bởi lẽ, hôm nay đồng bào sẽ được giảm thêm 2% lãi suất cho mỗi khoản vay mới (có lãi suất vay vốn trên 6%/năm) và kể cả các khoản vay cũ kể từ ngày 1.1.2022.
Chị Ma Thị Điều ở bản Khe Mong, xã Văn Lăng cho biết, các khoản vay từ NHCSXH đã được ưu đãi lớn về lãi suất. Nay, Chính phủ lại hỗ trợ thêm 2% lãi suất nữa, nên những người khó khăn như các chị rất phấn khởi. Chị Điều nhẩm tính: 3 mẹ con, mỗi ngày chi phí cho ăn uống, điện, nước… phải mất tới 30 - 40 nghìn đồng. Nay, NHCSXH lại giảm 2% lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP nên khoản vay 100 triệu đồng từ Chương trình hộ mới thoát nghèo của chị chỉ còn phải trả NHCSXH 6,25%/năm. “Tính ra, mẹ con tôi đã tiết kiệm thêm được 2 triệu đồng mỗi năm, tương đương với hơn hai tháng tiền chi tiêu mỗi ngày. Quả là tuyệt vời!”, chị Điều hớn hở nói.
Cùng tâm trạng như chị Điều, các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Văn Lăng rất phấn khởi. Mọi khó khăn đã lui dần, con em được đến trường và lại được tiếp cận thêm công nghệ mới với “Chương trình Sóng và máy tính cho em”. “Bà con tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và chắc chắn sẽ sử dụng đồng vốn đúng mục đích, nỗ lực gia tăng giá trị đồng vốn để không phụ lòng những người làm chính sách”, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Khe Mong, Nguyễn Văn Long khẳng định.
Chia sẻ thêm về hoạt động tín dụng trên địa bàn huyện Đồng Hỷ nói chung, xã Văn Lăng nói riêng, Giám đốc NHCSXH huyện Đồng Hỷ, Nguyễn Thị Mười cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định việc thực hiện tín dụng ưu đãi là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Bản thân mỗi cán bộ, nhân viên và người lao động trong Phòng giao dịch cũng ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm cũng như chuyển tải nguồn vốn đến đúng các đối tượng một cách kịp thời nhất. Do đó, trên cơ sở gần 12 tỷ đồng nguồn vốn được huyện Đồng Hỷ ủy thác sang NHCSXH năm 2022 (nâng tổng nguồn vốn chính sách trên toàn huyện lên 533 tỷ đồng), Phòng giao dịch đã ngay lập tức tuyên truyền và giải ngân đến các đối tượng, giúp đồng bào có vốn phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Việc Chính phủ hạ 2% lãi suất đã giúp ích cho bà con nghèo rất nhiều. Bà con vui, là chúng tôi lại được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục công việc của mình.
Ngày 30/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại NHCSXH. Tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 nghìn tỷ đồng. Thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất là từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023 hoặc khi NHCSXH thông báo kết thúc thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tùy theo thời điểm nào đến trước. Thời gian vay được hỗ trợ lãi suất được xác định từ thời điểm giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc nhưng không nằm ngoài thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất. Mức hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay vốn là 2%/năm tính trên số dư nợ vay của các khoản giải ngân được giải ngân trong thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất và thời gian vay được hỗ trợ lãi suất.
Vốn giải quyết việc làm - nhu cầu cấp bách
Khẳng định vai trò của nguồn vốn tín dụng ưu đãi cũng như sự tận tâm của các cán bộ tín dụng NHCSXH, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng Trương Công Hiền cho biết: Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện đã được đầu tư đúng đối tượng, đúng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững hiệu quả. Đây cũng là những yếu tố quan trọng để Văn Lăng giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11% và nỗ lực về đích nông thôn mới vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, để mục tiêu này sớm thành hiện thực, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng mong muốn, các cấp, ngành, đặc biệt là NHCSXH quan tâm dành nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm nhiều hơn nữa cho người dân Văn Lăng. Bởi đây là yếu tố quan trọng, là nhu cầu cấp thiết của người dân Văn Lăng.
Trao đổi về vấn đề vốn vay giải quyết việc làm, Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên Lê Văn Hồng cho hay: Đây là mối băn khoăn lớn của NHCSXH tỉnh. Thực tế, nhu cầu về nguồn vốn này rất cao, trong khi nguồn vốn cho chương trình này lại rất ít ỏi. Theo chỉ đạo của NHCSXH Trung ương, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên đã rà soát nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm trên địa bàn năm 2022 - 2023 là 1.151 tỷ đồng; trong đó, riêng năm 2022 là 559 tỷ đồng với hơn 6.100 khách hàng có nhu cầu. Đến nay, triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP, NHCSXH Thái Nguyên mới được giao 63 tỷ đồng, trong đó, vốn Trung ương giao là 40 tỷ đồng; vốn UBND tỉnh, huyện ủy thác sang là 23 tỷ đồng - một con số khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.
Vấn đề này cũng được Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Văn Lăng Thân Thị Lý, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Khe Mong Nguyễn Văn Long xác nhận. Theo các đại diện này, nhiều chị em cũng như nhiều hội viên Hội Nông dân đang thiếu vốn để mở mang sản xuất, tự tạo việc làm. Có nhiều hộ có đất nhưng không có chút vốn liếng nào nên rất khó để xoay xở. Hoặc, cũng có nhiều hộ, có nghề trong tay nhưng cũng không có vốn để sản xuất, dẫn đến phải tha hương đi làm thuê, làm mướn, rất vất vả. Đặc biệt, hiện nay các địa phương đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển sản xuất, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành địa phương đã và đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi hỗ trợ người dân, nên nếu có sẵn nguồn vốn, bà con sẽ có đà vươn lên”, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Khe Mong Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

Bài và ảnh Đức Kiên - Thái Bình

Các tin bài khác