Tạo đà giảm nghèo và phát triển bền vững
Giảm nghèo, nhìn từ Văn Lăng
2/3 dân số là người đồng bào DTTS; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới hơn 26%, cận nghèo hơn 24%; cá biệt, nhiều xóm có tới gần 100% là hộ nghèo… Đây là những thông tin nổi nhất mỗi khi nhắc tới xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Điểm qua vài con số để thấy, đời sống đồng bào Văn lăng khó khăn ra sao và những cán bộ của Văn Lăng phải vất vả như thế nào mới có được bộ mặt đổi thay như hôm nay.
Đơn cử, chỉ 5 năm trước, cuộc sống của người dân Bản Tèn - bản đặc biệt khó khăn thuộc xã Văn Lăng - nơi có 100% đồng bào Mông sinh sống, còn lạc hậu tựa thời đồ đá: Không điện, không nước, không sóng điện thoại; tỷ lệ hộ nghèo lên tới 54%… Nay, Bản Tèn đã khác xưa. Người dân đã được đi lại thuận lợi hơn trên những con đường giao thông liên thôn, liên xã; điện lưới, internet cũng phủ sóng khắp bản. Thấp thoáng, xuất hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mọc lên. Đời sống đồng bào đang dần khởi sắc khi họ biết sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách và ứng dụng KHKT vào trồng chè, trồng rừng, chăn nuôi bò, dê tập trung… Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 47% theo tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025.
Hay tại bản Khe Mong, xã Văn Lăng; xóm Lân Quan, xã Tân Long… cuộc sống của người dân trước đây cũng khó khăn không kém bản Tèn. Nhưng nay, nhờ có các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay sản xuất vùng khó khăn, cho vay NS&VSMTNT… mà đời sống đồng bào đổi thay ngoạn mục. Bởi thế, Trưởng xóm Lân Quan, xã Tân Long Trần Văn Hồ mới ví các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho người Mông giống như nước uống khi khát, như cơm ăn lúc đói. Vì vậy, để trả ơn Đảng, trả ơn cán bộ nhất là các cán bộ NHCSXH huyện Đồng Hỷ, đồng bào đã nỗ lực vươn lên để “miệng không thấy đắng vì bụng đói; bụng đói vì lười, lười sinh nhiều thói hư, tật xấu… nên chúng tôi luôn nhắc bà con mình muốn xóa được nghèo thì trước hết phải xóa được bệnh lười ngay từ trong suy nghĩ, thay đổi cách làm ăn để vươn lên…”, ông Trần Văn Hồ kể.
Khi được hỏi, còn điều gì khiến người dân bản Tèn, Khe Mong nói riêng và Văn Lăng nói chung thay đổi nhận thức, biết tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, chị Thân Thị Lý - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Văn Lăng cho biết: “Lý do thì nhiều lắm, mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi cá nhân người dân, cán bộ trong xã đều là những mắt xích quan trọng khiến cho bánh xe xóa đói, giảm nghèo quay đều, liên tục. Nhưng, chắc chắn không thể thiếu những khoản vay nhỏ và sự tận tâm, tận lực của các cán bộ NHCSXH - những người luôn coi người nghèo, người yếu thế như một phần máu mủ của mình để hỗ trợ, động viên bà con bước từng bước, vượt qua mọi khó khăn!”.
Nắm bắt cơ hội vươn lên
Gặp người phụ nữ dân tộc Nùng - Ma Thị Điều ở bản Khe Mong, xã Văn Lăng tại nương chè xanh ngắt mới thấy đồng vốn nhỏ của NHCSXH huyện Đồng Hỷ làm thay đổi toàn diện cuộc đời người phụ nữ đơn thân do chồng bị mắc bệnh hiểm nghèo không qua khỏi.
Cuộc sống vốn đã khó khăn, chồng mất, mọi gánh nặng đều đổ lên vai chị. Nhưng, nhìn hai đứa con mỗi ngày mỗi lớn, chị Điều nghĩ, mình phải sống mạnh mẽ hơn, phải vượt qua đói nghèo để làm chỗ dựa cho các con. May mắn, được sự hỗ trợ quyết liệt của cấp ủy, chính quyền mà trực tiếp là NHCSXH huyện Đồng Hỷ, chị Điều được vay vốn chương trình hộ nghèo để khai phá đất đồi, mua giống cây, vật tư phân bón để trồng giống chè mới, năng suất cao theo quy trình sản xuất VietGAP.
Nhờ nguồn thu ổn định từ đồi chè, gia đình chị Điều thoát nghèo, mua sắm thêm nhiều tài sản phục vụ cuộc sống và sản xuất. Chưa hết, nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ giúp chị Điều mau chóng thoát nghèo mà còn tiếp tục đồng hành cùng 3 mẹ con trên chặng đường mới thoát nghèo. Nhờ 100 triệu đồng vay chương trình hộ mới thoát nghèo, chị đã sắm được Tôn quay, máy vò - bộ công cụ sao, sấy chè thành phẩm. Kể từ đây, chuỗi công việc sản xuất chè không còn vất vả như trước. “Tôi không phải mất chi phí thuê mướn người sao sấy chè, tiết kiệm được thời gian và khá nhiều tiền bạc”, chị Điều khoe.
Một điển hình khác là chị Nguyễn Thị Sen, dân tộc Tày cũng ở bản Khe Mong, xã Văn Lăng. Chị Sen cũng từng là hộ nghèo lâu năm của Khe Mong. Chính sự nghèo đói, cộng thêm cậu con út không may mắn như những đứa trẻ bình thường đã khiến chị Sen ngày càng tự ti, nhút nhát. Nhưng, được sự động viên của Hội Phụ nữ xã Văn lăng, chị Sen đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH để trồng rừng, cải tạo vườn tạp. Nay, sau bao nỗ lực, gia đình chị đã tiến lên một bước, trở thành hộ cận nghèo. Bản thân chị Sen nhận thấy, nguồn vốn ý nghĩa biết bao đối với những người khó khăn như gia đình chị. Bởi vậy, chị Sen không ngần ngại trở thành tuyên truyền viên tích cực cho các chương trình tín dụng chính sách; đồng thời, chị còn được chị em trong bản Khe Mong tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội phụ nữ; được tín nhiệm giới thiệu là đối tượng quần chúng ưu tú của Đảng.
“Giờ đây, hình ảnh một Nguyễn Thị Sen ốm yếu, nhút nhát năm nào đã được thay thế bằng hình ảnh người phụ nữ năng động, xông xáo. Tất cả, nhờ vào sự truyền lửa của các cán bộ tín dụng chính sách!”, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Văn Lăng Thân Thị Lý khẳng định.
Bài và ảnh Đức Kiên - Thái Bình
Các tin bài khác
- » Tiếp tục triển khai cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
- » Nguồn vốn ưu đãi tiếp sức người dân Bắc Giang vươn lên làm giàu
- » Không để phát sinh hộ nghèo
- » "Chìa khóa vàng" phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
- » Trợ lực nguồn vốn tín dụng chính sách ở thị xã Bến Cát
- » Gieo niềm tin cho người yếu thế
- » Cao Bằng phát động "Tuần lễ gửi tiền tiết kiệm, chung tay vì người nghèo"
- » Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tại Sóc Trăng
- » Văn Chấn giải ngân kịp thời nguồn vốn cho vay phục hồi và phát triển kinh tế
- » Nguồn vốn ưu đãi tạo động lực cho người dân Thừa Thiên - Huế thoát nghèo