Nguồn vốn ưu đãi tiếp sức người dân Bắc Giang vươn lên làm giàu

23/06/2022
(VBSP News) Thời gian qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã và đang khẩn trương chuyển từng đồng vốn chính sách của Chính phủ về tận thôn, bản, làng, giúp nhân dân khôi phục, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống.
anh-ngan-hang-csxh-16552925197971267267582

Mô hình nuôi thỏ của anh Giáp Văn Thông ở xã Vĩnh An, huyện Sơn Động

Vượt khó từ đồng vốn ưu đãi NHCSXH
Gia đình anh Trần Văn Đoàn ở thôn Tiên Lý, xã Yên Định, huyện Sơn Động nhiều năm thuộc diện nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Năm 2017, trong lúc loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế, vợ chồng anh được Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn hướng dẫn làm hồ sơ vay 46 triệu đồng hộ nghèo của NHCSXH huyện để trồng cây ăn quả.
Có vốn, anh Đoàn cải tạo hơn 3 sào lúa kém hiệu quả sang trồng hơn 100 cây ổi Đài Loan. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, cây ổi phát triển tốt, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ, mỗi vụ 4 tấn quả. Với giá trung bình 10.000 đồng/kg, mỗi vụ gia đình anh Đoàn thu về hơn 40 triệu đồng. Từ cây ổi, có tiền tích luỹ, anh Đoàn tiếp tục nuôi gà thả vườn với số lượng gần 1.000 con. “Lúc khó khăn, thiếu vốn tôi được NHCSXH cho vay lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này giúp gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống”, anh Đoàn chia sẻ.
Năm 2021, anh Giáp Văn Thông, dân tộc Tày, ở thôn Mật, xã Vĩnh An, huyện Sơn Động cũng được vay 78 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi dành cho thanh niên khởi nghiệp để mua 2 con bò giống và mở rộng khu nuôi thỏ. Anh Thông cho biết: Được NHCSXH huyện cho vay vốn ưu đãi, gia đình rất phấn khởi. Hiện bò giống chuẩn bị sinh sản, đàn thỏ bắt đầu được bán.
Sơn Động là địa phương có đông đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Đồng hành cùng bà con, NHCSXH huyện đã triển khai hiệu quả các gói tín dụng, tạo thêm động lực để người dân phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo. Theo đánh giá của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, trung bình mỗi năm, Sơn Động có hơn 1.000 hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5 - 6%/năm.
Giám đốc NHCSXH huyện Sơn Động Lưu Văn Hạnh cho biết: “Xác định nguồn vốn ưu đãi là đòn bẩy giúp nông dân có cơ hội thoát nghèo, chúng tôi thực hiện nhiều giải pháp đưa nguồn vốn đến với các đối tượng. Do chủ động rà soát, lập danh sách hộ có nhu cầu nên vốn nhanh chóng đến đúng người có nhu cầu”.
Giúp người dân khôi phục sản xuất
Ở huyện Yên Dũng, nguồn vốn chính sách cũng được coi như trợ thủ đắc lực, giúp các hộ nông dân nghèo chủ động lựa chọn xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Chùa, xã Tiến Dũng cho biết: Trước đây do ruộng đất canh tác ít, sức khỏe lại kém, cho nên cuộc sống gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Nhưng từ khi vay được 50 triệu đồng của NHCSXH, chị Dung mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn nái, bò sinh sản; khi dư dả tiền nong, chị tiếp tục đào ao nuôi cá, cải tạo ruộng trũng thành vườn cao trồng rau sạch trong nhà lưới. Thu nhập ngày một tăng, gia đình chị không chỉ ra khỏi danh sách hộ nghèo mà còn đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh.
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang, đến nay, toàn tỉnh có hơn 25.000 hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn, các đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng dư nợ đạt trên 5.390 tỷ đồng. Từ nguồn vốn ưu đãi, nông dân Bắc Giang đã đầu tư thâm canh vườn cây ăn quả, nâng độ che phủ rừng, tăng đàn gia súc gia cầm, mở mang ngành nghề, tạo việc làm, thu nhập thường xuyên.
Bắc Giang được biết là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Theo kế hoạch trong 2 năm 2021 - 2022, tỉnh Bắc Giang được phân bổ 227,5 tỷ đồng để thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, chi nhánh đã giải ngân 11,5 tỷ đồng cho 269 khách hàng đầu tiên được thụ hưởng các chương trình tín dụng ưu đãi theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có 138 khách hàng vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền 8,9 tỷ đồng, 142 khách hàng (thuộc 126 hộ gia đình) vay vốn chương trình cho vay HSSV để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập với số tiền 1,42 tỷ đồng; 5 khách hàng vay vốn chương trình nhà ở xã hội (1,15 tỷ đồng).
Ngay sau khi giải ngân, cán bộ ngân hàng đã tư vấn, hướng dẫn người vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích nhằm đạt hiệu quả cao. Qua đó giúp người lao động có điều kiện tạo việc làm, từng bước ổn định, cải thiện đời sống; học sinh có thiết bị phục vụ học tập được tốt hơn.

Bài và ảnh Thu Hà

Các tin bài khác