Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP tại NHCSXH (Bài 2 - Rốt ráo chuyển vốn đến người nghèo)

23/05/2022
(VBSP News) Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình để thúc đẩy kinh tế phục hồi, phát triển nhanh hoạt động SXKD, giải quyết việc làm, bảo đảm sinh kế cho người dân sau ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; NHCSXH đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết. Các kế hoạch và kịch bản giải ngân đã được xây dựng và thống nhất ngay từ trong những ngày Tết Nguyên đán 2022; được lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống với nhiều phương thức linh hoạt...
nan2

Người dân khó khăn luôn được NHCSXH đáp ứng đủ vốn sản xuất

Từ cực Nam Trung bộ…
Nằm sát bên với Đồng Nai và cách TP Hồ Chí Minh hơn 200km - nơi dịch COVID-19 bùng phát dữ dội nhất, Bình Thuận cũng phải gánh chịu hàng loạt hệ lụy của đại dịch. Tuy nhiên, những người làm tín dụng chính sách nơi đây đã luôn nỗ lực, cùng bà con và các đối tượng chính sách vượt qua mọi khó khăn, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Thuận Võ Thị Minh Thảo cho biết: Năm 2022, chi nhánh được giao 123 tỷ đồng cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nguồn vốn rất quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 suốt hơn 2 năm qua. Để triển khai có hiệu quả nguồn vốn, chi nhánh đã phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện cho vay kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến các cấp, các ngành, người lao động và nhân dân biết, tổ chức thực hiện và giám sát.
Theo đó, trong các ngày cuối tháng 4.2022, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Thuận đã giải ngân những khoản vay đầu tiên trong gói cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Kết quả, đến nay đã giải ngân hơn 11 tỷ đồng cho 204 khách hàng vay vốn. Trong đó, 390 triệu đồng cho 39 HSSV mua máy tính và thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; hơn 9,2 tỷ đồng cho 152 khách hàng vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và hơn 1,6 tỷ đồng cho 13 khách hàng vay vốn chương trình nhà ở xã hội.
Đánh giá về vai trò của ngành ngân hàng nói chung, chi nhánh NHCSXH tỉnh nói riêng, Phó Chủ tịch UBND thường trực tỉnh Bình Thuận, Phan Văn Đăng cho rằng: Ngành ngân hàng là tiền đề thiết yếu và đòn bẩy để góp phần phục hồi nhanh nền kinh tế với trạng thái đang yếu dần, thậm chí một số ngành, một số lĩnh vực không còn đủ sức chịu đựng trước hậu quả rất lớn của đợt dịch COVID-19 vừa qua.
Đến toàn hệ thống đều sẵn sàng
Đến nay, hệ thống NHCSXH đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là 2.335 tỷ đồng, trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm là gần 2.033 tỷ đồng, cho vay HSSV mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến là gần 155 tỷ đồng, cho vay nhà ở xã hội là 140 tỷ đồng.
Bắc Giang - địa phương bị COVID-19 hoành hành dữ dội tại khu vực miền Bắc cũng đã mau chóng chuyển tải nguồn vốn ưu đãi tới các đối tượng thụ hưởng. Theo kế hoạch trong năm 2021 - 2022, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang được phân bổ 227,5 tỷ đồng để thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Chi nhánh đã giải ngân 11,5 tỷ đồng cho 269 khách hàng đầu tiên được thụ hưởng các chương trình tín dụng ưu đãi theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có 138 khách hàng vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền 8,9 tỷ đồng, 142 khách hàng (thuộc 126 hộ gia đình) vay vốn chương trình cho vay HSSV mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập với số tiền 1,42 tỷ đồng; 5 khách hàng vay vốn chương trình nhà ở xã hội với số tiền 1,15 tỷ đồng.
Tại tỉnh Gia Lai, chi nhánh NHCSXH tỉnh được phân bổ hơn 100 tỷ đồng cho vay ưu đãi 3 chương trình bao gồm: cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay nhà ở xã hội và cho vay HSSV để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập. Ngay từ cuối tháng 4, chi nhánh đã tổ chức các phiên giao dịch để kịp thời giải ngân 3 chương trình tín dụng cho vay đến các đối tượng thụ hưởng.
Để đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng và các hộ vay sử dụng mục đích, chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai đã triển khai bình xét công khai, dân chủ, đúng đối tượng thụ hưởng từ cấp cơ sở. Trên cơ sở rà soát, tổng hợp và đăng ký nhu cầu vốn của các đối tượng, chi nhánh tập trung giải ngân cho các trường hợp đã hoàn tất đầy đủ hồ sơ, thủ tục vay. Dự kiến, việc giải ngân vốn của 2 chương trình: Cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay đối với HSSV để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập sẽ hoàn tất trong tháng 5.2022. Đối với chương trình cho nhà ở xã hội sẽ giải ngân sau khi các đối tượng vay vốn thực hiện đầy đủ các thủ tục và khởi công xây dựng nhà ở đúng theo quy định.      
Tại tỉnh Trà Vinh, đến hết tháng 4.2022, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân gần 7,4 tỷ đồng từ nguồn vốn chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, bao gồm: giải ngân chương trình hỗ trợ việc làm và duy trì mở rộng việc làm cho 187 khách hàng với số tiền hơn 6,8 tỷ đồng, thời gian vay 60 tháng, mức lãi suất 7,92%, được hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong thời gian 2 năm. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ HSSV vay mua máy tính cũng được giải ngân cho 8 khách hàng với số tiền 80 triệu đồng, mức lãi suất 1,2%/năm, thời gian vay không quá 36 tháng. Chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng giải ngân chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội cho 1 khách hàng với số tiền 468 triệu đồng, lãi suất 4,8%/năm, thời gian vay không quá 25 năm.

Bài và ảnh Bình Nhi

Các tin bài khác