Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP tại NHCSXH (Bài 1 - Tập trung nguồn vốn)

23/05/2022
(VBSP News) Cùng với cả nước, NHCSXH đã và đang nỗ lực huy động nguồn lực, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời và thuận lợi nhất nguồn vốn cho các đối tượng ưu tiên, đã được quy định rõ trong Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là bước triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình để thúc đẩy kinh tế phục hồi, phát triển nhanh hoạt động SXKD, giải quyết việc làm, bảo đảm sinh kế cho người dân sau ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
nan1

Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp cơ sở sản xuất mây tre đan ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương (Nghệ An) khôi phục sản xuất

Chủ động trong mọi tình huống
Còn nhớ gần 1 năm về trước, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng nặng nề cả về tinh thần cũng như mọi mặt đời sống. Ngay sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Để mau chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống, NHCSXH đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan, triển khai kịp thời cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động khi ngừng việc và sau khi phục hồi sản xuất. Từ khi triển khai thực hiện, đến nay, 63 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố đã thực hiện giải ngân cho 1.483 người sử dụng lao động với số tiền 3.753 tỷ đồng để trả lương cho 964.562 lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua việc ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách cho 4 tổ chức chính trị - xã hội. Hiện nay, hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đang được triển khai thực hiện tốt với 10.429 Điểm giao dịch xã, gần 170.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn; bảo đảm an toàn, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động SXKD của người dân, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đến 30.1.2022 - thời điểm dịch bệnh đã được kiểm soát, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. NHCSXH - với nhiệm vụ được giao là khẩn trương triển khai các chương trình cho vay ưu đãi đến các đối tượng được quy định trong Nghị quyết với tổng số tiền 38.400 tỷ đồng. NHCSXH lại một lần nữa dốc toàn lực chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn; phối hợp với các bộ, ngành, bám sát chỉ đạo của cấp trên, nhanh chóng rà soát, sớm hoàn thiện những chính sách và tổ chức triển khai các chương trình nhanh, hiệu quả. Tinh thần là không để nền kinh tế đất nước cũng như người lao động bị tổn thương thêm nữa.
Hướng dòng vốn vào SXKD
Tính đến thời điểm cuối năm 2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 256.324 tỷ đồng, tăng 22.779 tỷ đồng so với cuối năm 2020; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 24.702 tỷ đồng. Với mạng lưới hoạt động phủ khắp toàn quốc, hoạt động giao dịch xã tiếp tục được duy trì ổn định, hiệu quả, an toàn, NHCSXH đã giải ngân trên 80.000 tỷ đồng cho hơn 2 triệu lượt hộ vay vốn. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 247.970 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 209.875 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2020, hoàn thành 100% kế hoạch, với gần 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Gắn liền với việc tăng trưởng dư nợ, việc nâng cao chất lượng tín dụng được chú trọng thực hiện. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,7% tổng dư nợ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách trong năm 2021 đã hỗ trợ vốn đầu tư SXKD, tạo việc làm cho hơn 608.700 lao động, giúp hơn 2.200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 37.500 HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để bảo đảm học tập; 1.357 doanh nghiệp vay vốn để phục hồi SXKD và trả lương cho hơn 379.000 người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19; xây dựng gần 1,4 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 1.100 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; xây dựng gần 6.200 căn nhà ở xã hội… Những kết quả này cho thấy, nguồn vốn đã được chuyển tải đúng hướng, đúng đối tượng, đúng thời điểm; được nhiều chuyên gia và Đại biểu Quốc hội đánh giá cao.
Cách làm, hướng đi cũng như các kết quả đạt được của NHCSXH cũng cho thấy sự phù hợp với các hoạch định chính sách của Quốc hội. Đó là dòng vốn được hướng đến lĩnh vực SXKD, giúp người nghèo mau chóng vực dậy sản xuất sau dịch bệnh. Tại Diễn đàn “Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững” do Quốc hội tổ chức cuối năm 2021, các chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận định, để góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ngành ngân hàng cần nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên; triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn; đẩy mạnh phát triển tín dụng tiêu dùng; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán…
Đồng thời, chú trọng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã; đổi mới, cải cách mạnh mẽ thủ tục cấp tín dụng và dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay; đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế; triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh, góp phần tạo tiền đề cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đất nước.

Bài và ảnh Bình Nhi

Các tin bài khác