Gam màu tươi sáng trong hoạt động tín dụng chính sách ở Đức Trọng

01/07/2022
(VBSP News) Sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã hoàn thiện mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội và cách thức tác nghiệp đặc thù, hiệu quả, phù hợp với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, cũng hoàn thiện phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù phù hợp với hệ thống chính trị của Việt Nam; tập trung huy động được các nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới; ưu tiên hỗ trợ đồng bào DTTS và đồng bào ở các vùng khó khăn…
images2449920_hinh_3_33

Người dân huyện Đức Trọng nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS
Tà Hine là một xã tại huyện Đức Trọng với dân số 4.112 khẩu/1.017 hộ; trong đó, trên 80% là đồng bào DTTS và 95% hộ dân sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp… Trong 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã giúp 2.756 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, với số tiền gần 57 tỷ đồng. Từ một chương trình cho vay hộ nghèo, đến nay, tại xã đã triển khai 9 chương trình tín dụng chính sách với dư nợ hơn 24,4 tỷ đồng/559 hộ vay vốn.
 Theo Chủ tịch UBND xã Tà Hine, Cao Văn Còn: Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, UBND xã đã tham mưu kịp thời cho Đảng ủy xã chỉ đạo các ngành có liên quan, các trưởng thôn tổ chức triển khai hiện thực đồng bộ các giải pháp củng cố, và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn; chất lượng ủy thác, chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn được nâng lên rõ rệt. Hiện tại, xã không có nợ quá hạn và lãi tồn, 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt. Ngoài ra, trong năm 2021, xã Tà Hine được công nhận là xã có Điểm giao dịch xã kiểu mẫu.
Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách trong 20 năm qua đã góp phần giúp gần 300 hộ nghèo thoát nghèo bền vững; tạo việc làm cho trên 150 lao động, giúp 127 học sinh sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; 209 hộ vay vốn để xây dựng công trình nước sạch và làm nhà vệ sinh; 32 hộ nghèo làm nhà ở…  Nhiều hộ gia đình nghèo đã biết tận dụng vốn vay để phát triển kinh tế, làm gia trại kết hợp chăn nuôi trồng trọt; đời sống, thu nhập của người dân ngày một nâng cao, nhiều hộ thoát được nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng; không còn tình trạng tái nghèo…
Tà Hine từ xã đặc biệt khó khăn trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hình thức sản xuất nông nghiệp đã có nhiều thay đổi lớn, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật đã hoàn toàn thay thế các phương thức sản xuất nông nghiệp lạc hậu… Sau 20 năm, tỷ lệ hộ nghèo từ 47,7% (năm 2002) giảm xuống còn 4,23% (năm 2022). Có được kết quả này, ngoài việc thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của người dân chính là nhờ sự hỗ trợ vốn từ NHCSXH, thể hiện tính bền vững trong công tác giảm nghèo trên địa bàn xã.
Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân

1

Nhiều hộ đồng bào DTTS huyện Đức Trọng phát triển mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn chính sách

Trước đây, gia đình bà Lê Thị Châu ở thôn Thái Sơn, xã N’thôn Hạ có 4 khẩu gồm hai vợ chồng và 2 con, với nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào 0,3ha cà phê, sau khi trừ đi các khoản chi phí như thuốc trừ sâu, phân bón… thì phần thu nhập còn lại không đủ để trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học, cho nên hai vợ chồng phải đi làm thuê để trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình…
Là hộ nghèo của xã, năm 2015 khó khăn lại càng chồng chất khó khăn khi cháu lớn thi đậu vào trường cao đẳng và cháu nhỏ vào năm học mới. Nhờ biết được nguồn vốn tín dụng chính sách cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn và sự giới thiệu của Hội Phụ nữ xã N’thôn Hạ, bà Châu tự nguyện xin gia nhập vào Tổ tiết kiệm và vay vốn, được tham gia họp bình xét vay vốn, được NHCSXH huyện Đức Trọng duyệt cho vay với số tiền 33 triệu đồng cho con học 3 năm.
Năm 2016, gia đình bà tiếp tục được vay 30 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo, để mua phân, thuốc trừ sâu, giống ghép cà phê cao sản để vườn cà phê cho năng suất ngày cao hơn… Nhờ đầu tư có hiệu quả sau 2 năm, gia đình bà đã thoát hộ nghèo và trả nợ cho NHCSXH với số tiền 30 triệu đồng, gửi tiền tiết kiệm được gần 4 triệu đồng. Năm 2018, gia đình bà Châu tiếp tục được NHCSXH huyện Đức Trọng cho vay 50 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo để trồng 0,3 sào ớt. Nhờ được hướng dẫn áp dụng kỹ thuật trong trồng trọt mà các vụ ớt thành công, giúp gia đình ổn định cuộc sống, có nguồn thu nhập tăng thêm từ sản xuất.
Năm 2021, gia đình bà đã trả 33 triệu đồng cho món vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn và 50 triệu đồng món vay hộ cận nghèo và vay 80 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo để mở rộng vườn cà phê lên 1,5ha, dự kiến sản lượng năm nay sẽ thu được 4 tấn nhân, sau khi trừ các khoản chi phí gia đình cũng đã tiết kiệm được 50 triệu đồng…
Vất vả hơn bà Châu, bà Đỗ Thị Tiếp ở thôn Phú Trung, xã Phú Hội có chồng mất sớm để lại 5 người con thơ dại, gia đình không có đất sản xuất… Bà Tiếp phải vất vả làm thuê để nuôi 5 con ăn học. Năm 2005, con gái lớn thi đậu vào trường đại học ở TP Hồ Chí Minh, bà Tiếp được chi Hội Phụ nữ xã giới thiệu chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn để trang trải chi phí học tập và được giải ngân số tiền 27 triệu đồng giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho con học tập. Sau khi con ra trường và có việc làm, bà đã trả nợ được toàn bộ nợ vay gốc, lãi cho NHCSXH huyện Đức Trọng.
Bà Tiếp tâm sự: Nhận thấy lợi ích thiết thực từ chương trình tín dụng chính sách trên, tôi động viên tất cả các con phải cố gắng học tốt, thi đậu đại học, chi phí học tập đã có NHCSXH huyện hỗ trợ cho vay với mức lãi suất thấp, vì chỉ có con đường học tập thì các con mới có kiến thức, áp dụng trong cuộc sống, gia đình từ đó mới thoát được cái khó, cái nghèo…
Nhớ lại chặng đường nghèo khó của mình đã trải qua, bà Châu và bà Tiếp đều khẳng định rằng: Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách cùng với quyết tâm thoát nghèo, cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất và không nản chí nên gia đình đã gặt hái được thành quả như ngày hôm nay.
Nguồn vốn tín dụng của NHCSXH huyện Đức Trọng có ý nghĩa rất lớn và kịp thời hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát cảnh nghèo, để nuôi sống chính bản thân, con cái được tiếp tục đến trường để theo đuổi giấc mơ và thoát khỏi cái khó, cái nghèo… Có kinh tế vững vàng cũng là góp phần xây dựng xã hội dân giàu nước mạnh.

Lê Hoa - Thu Hiền

Các tin bài khác