Bạc Liêu thực hiện tín dụng chính sách: Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ

23/09/2022
(VBSP News) Từ những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định rằng, một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chính là triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi từ NHCSXH.
10a

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Bạc Liêu Trần Quang Sơn kiểm tra và thăm hỏi các hộ nghèo vay vốn tại Điểm giao dịch phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu

Không ngừng tăng trưởng

Trong 20 năm qua, Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời các chương trình tín dụng ưu đãi với tổng doanh số cho vay đạt 7.197 tỷ đồng, với hơn 890.000 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, một số chương trình có doanh số cho vay lớn như: cho hộ nghèo vay 2.179 tỷ đồng, với gần 444.000 lượt hộ; cho hộ SXKD vùng khó khăn vay 1.239 tỷ đồng, với 108.800 lượt hộ; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm: 829 tỷ đồng, cho 79.000 lượt hộ vay; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: 560 tỷ đồng, cho hơn 96.000 lượt hộ vay; cho hơn 48.000 lượt HSSV vay với số tiền 409 tỷ đồng…

Từ 4 chương trình ban đầu với dư nợ gần 133 tỷ đồng, đến nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt 2.548 tỷ đồng, tăng so với thời điểm mới thành lập trên 2.410 tỷ đồng (tăng hơn 19 lần), với 90.888 hộ còn dư nợ. Dư nợ bình quân đạt 364 tỷ đồng/đơn vị cấp huyện; 39,8 tỷ đồng/đơn vị cấp xã; 1,33 tỷ đồng/tổ tiết kiệm và vay vốn; 28,03 triệu đồng/hộ vay. Về cơ cấu, dư nợ tập trung chủ yếu vào một số chương trình tín dụng với mục tiêu tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và XDNTM.

Có thể đánh giá trong 20 năm qua, với việc tăng mức cho vay bình quân đối với mỗi hộ và nhất là mở rộng đối tượng đầu tư thông qua các chương trình tín dụng là hoàn toàn phù hợp với sự vận động, phát triển kinh tế - xã hội (tại địa phương. 13 chương trình tín dụng được triển khai mới hết sức có ý nghĩa khi kịp thời hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách nói riêng và các đối tượng thụ hưởng khác nói chung có vốn để chống chịu trước diễn biến rất phức tạp của tình hình kinh tế thế giới và đại dịch COVID-19 trong những năm gần đây. Đồng thời, các chương trình tín dụng ưu đãi đã luôn đồng hành và góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Tiếp tục phát huy hiệu quả

Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và quyết tâm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ gắn với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh đang và sẽ phối hợp, liên kết với các ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định 1630 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, bám sát Chiến lược phát triển của NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từng giai đoạn và chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tập trung các nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách, xác định tín dụng chính sách là công cụ của cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH để thật sự là công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Với phương châm “Phục vụ tại nhà, Giải ngân, thu nợ tại xã”, Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo chi nhánh và Ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện, thị, thành phố mở Điểm giao dịch xã tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Việc tổ chức hoạt động giao dịch tại các xã, phường, thị trấn nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách được thuận lợi tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách.

Hiện nay, toàn tỉnh có 64 Điểm giao dịch của NHCSXH được bố trí trong khuôn viên UBND 64 xã, phường, thị trấn, được trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện làm việc (như một ngân hàng thu nhỏ), thực hiện giao dịch vào ngày, giờ cố định hàng tháng (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật). Việc tổ chức hoạt động giao dịch tại 100% các xã, phường, thị trấn giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, thời gian cho người dân, đặc biệt là người dân sống ở vùng nông thôn.

Trần Quang

Các tin bài khác