HẬU GIANG 20 NĂM ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI NGHÈO (Bài 1: Tối ưu hóa chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế)
Bây giờ Công ty cổ phần May Nhật Thành đã ổn định sản xuất trở lại với lượng công nhân viên hơn 350 người, song ít có ai biết rằng vào thời điểm này năm ngoái (2021) trong đầu của Tổng Giám đốc Lưu Thị Ngọc Châu chỉ có đoán định “phá sản, sự nghiệp tiêu tan”. Từ một doanh nghiệp gia công xuất khẩu cho Nhật và sản xuất hàng hóa cho doanh nghiệp nội địa trung gian xuất khẩu đi Mỹ, song dịch bệnh hô hấp Vũ Hán đầu năm 2020 đã chặn con đường nguyên liệu, sản xuất ngừng trệ.
Tháng 3/2021, non nửa thành viên Hội đồng quản trị nhất quyết “dứt áo ra đi”. Bà Châu từ Phó Giám đốc trở thành Tổng Giám đốc vừa bộn bề khó khăn song cũng ấp ủ nhiều kỳ vọng phát triển mới. Chưa kịp làm, thì tháng 6/2021, công ty nằm trong vùng dịch và đến 19/7 thì ngưng sản xuất. Dù đã xuất được lô hàng hóa cuối cùng trong xưởng, nhưng tiền hàng chậm lại đọng vào nguyên vật liệu, lại thêm việc thành viên hội đồng quản trị ra đi trước đó càng khiến tài chính vơi cạn nên doanh nghiệp cũng chỉ có thể trả nốt nửa lương tháng 7 cho người lao động. Sau khi nghỉ dịch 2 tháng, doanh nghiệp tìm cách duy trì sản xuất song tiền hàng cũng chưa thể nhận ngay nên đối mặt với nguy cơ nợ lương rất lớn.
“Lúc đó Kế toán trưởng bên mình lên báo cáo bên NHCSXH cho người sang gặp thông tin chính sách cho doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ trả lương 3 tháng với lãi suất 0%. Tôi nói một câu “chẳng tin”. Bởi Nhà nước đang lo cho rất nhiều nơi, nhiều người còn chưa được lãnh tiền hỗ trợ lương do ảnh hưởng dịch COVID-19 lấy đâu ra tiền mà cho mình vay. Ngay cả chính sách hỗ trợ lương cho công nhân mình đốc thúc anh em làm cũng là “còn nước, còn tát”. Chứ mình nghĩ nguyên cả một khối lượng lớn công nhân thế Nhà nước lấy đâu ra tiền. Thế nên, mình không cho anh em làm hồ sơ vay vốn, bởi nghĩ làm chi phí công, có khi còn bị lừa vì chẳng có ngân hàng nào lại làm việc không có lời”, Giám đốc Châu hồi tưởng. Nguồn tài chính cứu rỗi doanh nghiệp lúc ấy bà Châu hướng tới việc đi vay ứng trước của khách hàng. Vì vậy, dù đích thân Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang kiêm Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành A, ông Trần Thành Đạt gọi điện sang xin gặp để tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp hết lần này đến lần khác, nhưng chị Châu kiên quyết từ chối.
Tuy nhiên, khó khăn tài chính ngày càng dồn ép, đối tác cũng muốn cho vay hỗ trợ nhưng còn phải chờ tập đoàn phê duyệt. Kế toán trưởng lên nói “hay chị cứ gặp người ta một lần xem sao, mình bên đó người ta gọi hoài cũng kì quá”. “Tôi bảo thôi thì làm đi nhưng chẳng có lấy 1% niềm tin ngay cả khi mình ký xong hợp đồng. Một ngày sau tiền vào tài khoản. Lúc đó mình thực sự quá vui mừng. 100 triệu đồng lúc ấy cũng quý chứ chưa nói được vay 3 kỳ để trả lương kịp thời cho hơn 250 công nhân với tổng hơn 2,4 tỷ đồng. Vui nhất là mình có niềm tin lại không phải nghĩ đến gánh nặng lãi suất, làm mình có thêm động lực khôi phục doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn mối lái làm ăn bỏ hết trơn phải đi làm lại từ đầu; công nhân thì phải thuyết phục động viên họ ở lại, thậm chí cho 3 chuyến xe đưa rước hàng ngày, 2,5 triệu đồng/ngày”, chị kể. Cùng với trợ đỡ tín dụng, công nhân gắn bó với doanh nghiệp, những đơn hàng dần theo về cùng với sự phục hồi kinh tế trong nước và quốc tế, Công ty cổ phần May Nhật Thành dần hồi sinh và phát triển.
Tinh thần tận dụng triệt để chính sách tín dụng cùng điạ phương hỗ trợ người dân và điạ phương vươn lên phát triển kinh tế đảm bảo an sinh xã hội cũng thấy rõ qua việc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang triển khai hiệu quả chính sách cho vay xây nhà trong cụm tuyến dân cư vùng thường xuyên ngập lũ đồng bằng Sông Cửu long của Chính phủ giúp người dân bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân. Như gia đình bà Hồ Thị Còn, ấp Đông An A thuộc khu dân cư vượt lũ Cái Côn, xã Đaị Thành, Thành phố Ngã Bảy. Bà kể: “Nhà tôi hơn 30 năm sống ven song, vào mùa lụt tháng 9,10, nhiều năm nước dữ lắm luôn, ngập sang cả tháng 11. Ban đêm nước chảy quá trời, cả nhà tôi ngồi chứ không dám nằm sợ nước cuốn trôi lúc nào không biết. Còn trong vườn nước lội đến ngang bụng”. Bởi vậy được NHCSXH cho vay 20 triệu và Nhà nước hỗ trợ 24 triệu làm nền bà phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi nói chung rất mừng cảm ơn Nhà nước và NHCSXH giúp chúng tôi có cái nhà kiên cố cho các con ở, đêm về cũng an tâm ngủ”. Cùng với hệ thống giao thông đồng bộ thuận lợi, nằm sát bên trục đường chính, là tuyến đường huyết mạch kết nối vùng sản xuất với đường Quản lộ Phụng Hiệp - Cà Mau, hai vợ chồng bà giờ đã lớn tuổi vẫn sống an ổn nhờ quầy hàng tạp hóa bán cho cư dân và khách vãng lai. 20 chục công trồng dừa, cóc, cam bưởi bà chia cho các con cùng trồng trọt. 2.561 lượt hộ gia đình đã được vay vốn từ chương trình này cùng 8.272 lượt hộ được vay vốn từ chương trình tín dụng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo đã hỗ trợ giúp cho hộ nghèo trên địa bàn có mái nhà tránh mưa, che nắng an cư lạc nghiệp yên tâm sản xuất thể hiện tính nhân văn sâu sắc và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội đối với người nghèo khó khăn về nhà ở.
Đặc biệt, với việc coi vốn tín dụng chính sách là một trụ cột quan trọng trong giảm nghèo, phát triển kinh tế, UBND tỉnh đã chỉ đaọ các tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép tín dụng cùng các chương trình phát triển kinh tế điạ phương, tạo nên những bước đột phá trong công tác giảm nghèo bền vững đảm bảo an sinh xã hội. Như đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Hậu Giang đặc biệt là có hai huyện đông đồng bào DTTS là huyện Long Mỹ và Châu Thành A, trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND chỉ đạo NHCSXH cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp cùng với tổ chức chính trị - xã hội, trong đó người có uy tín trong đồng bào DTTS xây dựng mô hình thoát nghèo trong đồng bào DTTS gồm từ 8 đến 12 thành viên là đồng bào DTTS nghèo, thực hiện cùng một phương án trồng trọt sản xuất kinh doanh với nguồn vốn vay từ NHCSXH, có cán bộ kỹ thuật nông nghiệp cấp xã tập huấn về kỹ thuật, trên quan điểm là để đồng bào tự thân thoát nghèo. Cấp ủy cụ thể là Bí thư ấp sẽ phân công đảng viên chịu trách nhiệm giúp đỡ đồng bào. “Thực ra, đồng bào dân tộc rất giỏi giang, cần cù, siêng năng, họ chỉ cần thêm một chất xúc tác để tăng cường ý chí thôi. Nên khi cả kệ thống chính trị tham gia và thường xuyên thăm hỏi, động viên bà con làm đúng hướng dẫn thì kết quả ngày càng hiện rõ”, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Triều cho biết.
Đặc biệt, cuối tháng 7/2020, thực hiện theo sự chỉ đạo của Trưởng Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân triển khai thí điểm mô hình “Tổ hợp tác sản xuất (Tổ HTSX) hoạt động trong Tổ tiết kiệm và vay vốn”. Đến nay đã thành lập và giải ngân vốn cho 85 Tổ HTSX trên 75 đơn vị xã, phường, thị trấn gần 500 thành viên với số tiền trên 30 tỷ đồng thực hiện các mô hình như nuôi lươn giống, thương phẩm, nuôi cá, trồng mít thái và trồng sầu riêng…. Thành viên của Tổ HTSX (cũng là thành viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn) bao gồm nhiều đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình có công với cách mạng và hộ khá, giàu có kinh nghiệm sản xuất kinh doanh để chia sẻ kinh nghiệm cùng giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Khi tham gia Tổ HTSX, các thành viên được hỗ trợ vốn vay (nếu có nhu cầu), được chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật từ các nghành chuyên môn và Tổ kỹ thuật cấp xã,… Thời gian qua cho thấy, việc hình thành các Tổ HTSX hoạt động trong Tổ tiết kiệm và vay vốn đã khẳng định được hiệu quả, vừa tận dụng năng lực quản lý sẵn có từ Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, vừa hỗ trợ giảm nghèo, vừa là bước đầu hình thành mô hình kinh tế tập thể, giúp khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, tự phát.
Trong tương lai khi có thêm nguồn lực hỗ trợ, có thể mở rộng số lượng thành viên và các Tổ HTSX có thể hình thành và phát triển lên các hợp tác xã chuyên canh, đa canh với quy mô lớn, mô hình này cùng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội sẽ giúp người nghèo và đối tượng chính sách nhanh chóng vươn lên thoát nghèo bền vững hóa nhập với nền kinh tế của tỉnh cũng như cả nước đang hội nhập kinh tế quốc tế.
Việt Hải - Minh Nguyễn
Các tin bài khác
- » Hành trình 20 năm tận tâm, đồng hành phục vụ người nghèo Hải Dương
- » Quảng Trị ưu tiên hỗ trợ thoát nghèo (VTV1 - 11h00 - 24.9.2022)
- » 20 năm qua Bạc Liêu giúp hàng hàng nghìn người thoát nghèo
- » Bạc Liêu thực hiện tín dụng chính sách: Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ
- » Hành trình 20 năm đồng hành cùng người nghèo Bạc Liêu (BTV - 23.9.2022)
- » Khánh Hoà tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng ưu đãi
- » Đồng Nai chỉ còn 0,8% hộ nghèo (VTV1 - 11h00 - 23.9.2022)
- » Đồng Nai có trên 600.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi
- » Tín dụng ưu đãi giúp hơn 66.500 hộ dân Quảng Trị vượt qua ngưỡng nghèo
- » Kiên Giang phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách (VTV1 - 11h00 - 23.9.2022)