Điểm sáng tín dụng chính sách (Bài 1: Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau)

24/08/2022
(VBSP News) Tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang trong 20 năm qua được xem là bước đột phá quan trọng với việc cho ra đời một kênh tín dụng chuyên biệt, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế đất nước. Từ những năm đầu mới thành lập chỉ có 2 chương trình được ủy thác, nhưng đến nay, chi nhánh đang triển khai thực hiện hiệu quả 16 chương trình tín dụng chính sách, không để người nghèo bị bỏ lại phía sau.
SB3585 3-1 copy

Ông Thạch Tâm ở ấp 2B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A giới thiệu về mô hình nuôi ba ba của gia đình

Giúp hộ thoát nghèo bền vững
Phát triển kinh tế đi đôi với giảm nghèo là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước những năm qua. Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều chính sách và phương thức quản lý khác nhau về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, từ đó góp phần đáng kể cho công tác giảm nghèo trên địa bàn. Bên cạnh sự hỗ trợ nguồn tín dụng ưu đãi, phải khẳng định rằng sự nỗ lực, chí thú làm ăn và vươn lên của hộ vay vốn đã giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững, khá lên.
Ngồi trong căn nhà khang trang, ông Thạch Tâm ở ấp 2B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A vui mừng cho biết: “Năm 2015, gia đình tôi được vay vốn 20 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Từ nguồn vốn vay, gia đình tôi đầu tư nuôi ba ba, mua cây giống trồng cây ăn trái. Tôi rất vui vì từ khi có vốn đã góp phần tạo cơ hội cho gia đình làm ăn phát triển hơn. Hiện tại, mỗi năm sau khi trừ hết chi phí từ ba ba và bán xoài cát Hòa Lộc gia đình tôi kiếm được lợi nhuận từ 50 - 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, để tăng thêm nguồn thu, vợ chồng tôi còn mua đồ rẫy bán thêm, mỗi ngày cũng có thêm thu nhập vài trăm ngàn đồng. Nhờ chịu khó làm ăn và tích lũy nên gia đình tôi xây dựng được ngôi nhà khang trang”.
Còn bà Nguyễn Thị Của ở khu vực 1, phường III, TP Vị Thanh tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Vợ chồng tôi phải đi làm nhiều nghề để có tiền trang trải cuộc sống. Vào năm 2019, tôi được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ vay vốn chương trình hộ nghèo với số tiền 30 triệu đồng. Tôi mua máy may, máy vắt sổ, vải, kim, chỉ và một số phụ liệu khác để thực hiện công việc may gia công tại nhà”.
Mỗi ngày, thu nhập từ việc may gia công của bà Của từ 210.000 - 400.000 đồng. Nhờ vậy cuộc sống cũng đỡ hơn trước, phụ giúp lo cho con cái học hành. Với đức tính cần cù, chịu khó làm ăn, sau 3 năm gia đình bà vươn lên hộ cận nghèo và trả hết nợ, quyết tâm vươn lên để có cuộc sống đầy đủ hơn, con cái được đi học đến nơi, đến chốn và kinh tế gia đình ổn định hơn. Theo bà Của, được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã triển khai nhanh chóng, kịp thời tín dụng chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Những “cánh tay” đắc lực
Với đặc thù riêng biệt, tín dụng chính sách luôn được sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể. Với phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách cho vay trực tiếp có ủy thác, từ đó đã góp phần quan trọng trong thực hiện thành công công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế của tỉnh.
Chia sẻ cách quản lý nguồn vốn cho vay hiệu quả, bà Lê Thị Cẩm Hà - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Chi hội Phụ nữ khu vực 4, phường V, TP Vị Thanh cho biết: Kể từ khi được bầu làm Tổ trưởng, bản thân đã tiếp cận, phụ trách và góp phần truyền tải về nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng được thụ hưởng trên địa bàn. Mục tiêu phải giúp đỡ bà con bằng khả năng, trách nhiệm được giao về hỗ trợ vốn vay ưu đãi, giúp giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Đến nay, tổ quản lý 59 hộ vay vốn, dư nợ đạt trên 9,7 tỷ đồng.
Theo bà Hà, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ, đồng thời phát huy tốt tín dụng chính sách trên địa bàn thì cần duy trì họp tổ theo đúng định kỳ hàng tháng. Thông qua các buổi sinh hoạt, ngoài công tác chấp hành nộp lãi đúng hạn của các tổ viên, các tổ viên còn trao đổi, học tập lẫn nhau về kinh nghiệm sản xuất và chăn nuôi, đem lại hiệu quả cao với đồng vốn được vay. Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở bà con sử dụng vốn đúng mục đích, thu lãi hàng tháng, trả nợ đúng kỳ hạn theo cam kết khi vay vốn và gửi tiền tiết kiệm hàng tháng để dùng vào việc trả nợ dần, tích lũy vốn tự có cho gia đình tổ viên.
Giám đốc NHCSXH huyện Châu Thành A Nguyễn Văn Vũ cho biết: Đến nay, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện trên 368 tỷ đồng, với 12.802 khách hàng đang vay vốn, chiếm 97,7% tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại đơn vị. Phải khẳng định rằng, phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gắn với thực hiện bình xét cho vay tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn dưới sự chứng kiến của tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã và trưởng ấp, ngân hàng giải ngân trực tiếp cho người vay tại các Điểm giao dịch xã được triển khai có hiệu quả trong những năm vừa qua, góp phần đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và kịp thời.
Đồng thời, thông qua phương thức cho vay này, các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách, hoạt động của tổ chức hội được mở rộng, phong phú, uy tín được nâng lên, từ đó góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.
Trong những năm qua, vai trò của trưởng ấp trong triển khai tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở ngày càng được nâng lên, vừa góp phần giúp chuyển tải kịp thời các thông tin về chủ trương, tín dụng chính sách xã hội đến với nhân dân, vừa phát huy vai trò giám sát trong bình xét, lựa chọn đối tượng cho vay tại Tổ tiết kiệm và vay vốn, giám sát người vay sử dụng vốn. Kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý những trường hợp phát sinh dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn trong quá trình sử dụng vốn của người vay cũng như phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội, NHCSXH và các cơ quan liên quan trong việc đôn đốc người vay trả nợ khi đến hạn, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn tồn đọng trên địa bàn…
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 75 Điểm giao dịch ở các xã, phường, với 2.164 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổng dự nợ cho vay đạt trên 3.100 tỷ đồng, với  trên 93.000 hộ còn dư nợ.

Bài và ảnh T.Xoàn

Các tin bài khác