Nguồn vốn địa phương đáp ứng nhu cầu hộ vay ở Hà Nội
20 năm hoạt động, chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã không ngừng tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng được củng cố, nâng cao qua từng năm. Bám sát Chiến lược phát triển NHCSXH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012, chi nhánh đã tích cực, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm chỉ đạo tập trung huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách thành phố, quận, huyện, thị xã và nguồn vốn từ “Quỹ Vì người nghèo” của Ủy ban MTTQ các cấp để chuyển sang NHCSXH ủy thác cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô, thực sự trở thành công cụ, giải pháp đắc lực góp phần cùng thành phố thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
Đến 31/7/2022, tổng nguồn vốn hoạt động của chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đạt 12.831 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó, nguồn vốn Trung ương điều chuyển là 4.469 tỷ đồng, giảm 186 tỷ đồng so với năm 2021; nguồn vốn huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế và tiền gửi tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn là 2.123 tỷ đồng, tăng 188 tỷ đồng so với năm 2021, hoàn thành 157% kế hoạch tăng trưởng được giao. Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương là 6.367 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với năm 2021. Doanh số cho vay đến 31/7/2022 đạt 4.000 tỷ đồng, với 86.102 lượt khách hàng được vay vốn, doanh số thu nợ đạt 3.048 tỷ đồng, bằng 75% doanh số cho vay. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 12.778 tỷ đồng với trên 254 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Riêng 7 tháng đầu năm 2022, chi nhánh đã giải ngân cho hơn 86.100 lượt khách hàng vay vốn; trong đó, tập trung chủ yếu ở một số chương trình tín dụng như: cho vay giải quyết việc làm gần 62.700 lượt khách hàng, góp phần thu hút trên 68.600 lao động; cho vay NS&VSMTNT gần 22.400 lượt hộ, hỗ trợ cải tạo và xây mới gần 44.600 công trình nước sạch, công trình vệ sinh; cho vay 105 lượt người sử dụng lao động để trả lương phục hồi sản xuất cho 38.905 lượt lao động; cho vay 133 khách hàng vay vốn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho 193 HSSV; cho vay đối với 106 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Sự tăng trưởng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương trong thời gian qua đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo sát sao của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả của các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và sự nỗ lực của tập thể cán bộ chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội trong việc tranh thủ sự chỉ đạo, tạo điều kiện của địa phương, chủ động phối hợp với các ngành để tập trung được nguồn vốn về một đầu mối là NHCSXH để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, cũng như tạo sự chủ động của thành phố trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về phát triển kinh tế xã hội hằng năm.
Xác định rõ công tác tăng trưởng nguồn vốn đóng vai trò quan trọng, là tiền đề để thực hiện tốt việc triển khai cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, phát triển nguồn vốn theo cơ cấu tăng dần tỷ trọng vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương, triệt để khai thác nguồn vốn có lãi suất thấp, nguồn tiền gửi tiết kiện huy động thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn để triển khai cho vay trên địa bàn là hướng đi đúng đắn đối sự phát triển bền vững và lâu dài của NHCSXH.
Việc tham mưu UBND các cấp chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH cần được triển khai một cách linh hoạt, phù hợp với từng thời kỳ, gắn với mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn. Trên cơ sở kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương cần chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan đưa nội dung bố trí ngân sách chuyển vốn sang NHCSXH để cho vay các đối tượng thụ hưởng tương ứng vào đề án, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện trong cả giai đoạn. Cần quan tâm đa dạng hóa nguồn vốn ủy thác, triển khai công tác huy động vốn một cách đồng bộ từ nhiều cấp (thành phố đến các quận, huyện, thị xã) và từ nhiều tổ chức, không chỉ tập trung riêng tại cấp thành phố cũng như không chỉ tập trung riêng đối với nguồn ngân sách địa phương.
Các chương trình tín dụng được giải ngân từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đã tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho hàng trăm nghìn khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo chuẩn thành phố, người mù, người khuyết tật, hộ có thu nhập trung bình, hộ có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm trên địa bàn, góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định cho khoảng 420 nghìn lao động, xây mới và cải tạo khoảng 9 nghìn căn nhà cho hộ nghèo trên địa bàn.
Nguồn vốn cho vay được triển khai kịp thời, chất lượng, đã phát huy hiệu quả trong việc triển khai các chương trình, mục tiêu của TP Hà Nội về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả đó đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp ghi nhận, đánh giá cao, qua đó tin tưởng mạnh dạn tiếp tục bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn sang NHCSXH hằng năm.
Bài và ảnh Thảo Lan
Các tin bài khác
- » 20 năm qua Hà Nội có hơn 2 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn chính sách
- » Hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi tại xã Quảng Khê
- » Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
- » Hành trình 20 năm triển khai vốn tín dụng chính sách tại vùng đất cực Nam Tổ quốc
- » Khi vốn ưu đãi là “chìa khóa” mở cửa thoát nghèo
- » Vốn vay ưu đãi - động lực lớn cho hộ nghèo vươn lên
- » Tín dụng chính sách ở Gia Lai là trụ cột giảm nghèo bền vững
- » “Bệ đỡ” cho hộ nghèo vươn lên
- » Tín dụng chính sách góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo tại Cao Bằng
- » Dấu ấn 20 năm triển khai tín dụng chính sách tại Cao Bằng (CBTV - 16.8.2022)