Hà Nội triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch

24/05/2022
(VBSP News) Triển khai các chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, TP Hà Nội đã chủ động vào cuộc, giải ngân kịp thời nguồn vốn đến đúng đối tượng. Hiện nay, Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực.
283490659-5451596841552149-6540559554049613652-n

NHCSXH huyện Sóc Sơn giao dịch với bà con tại Điểm giao dịch xã Bắc Phú

Hỗ trợ tối đa, giải ngân nhanh chóng
Ngay từ khi dịch COVID-19 mới bùng phát, TP Hà Nội đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những giải pháp trọng điểm là hỗ trợ vốn tín dụng chính sách cho người lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong quý IV.2021 và các năm 2022, 2023.
Bên cạnh đó, giao chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội phối hợp các Sở, ngành, cơ quan liên quan triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội và tham mưu UBND thành phố ban hành Quy chế cho vay hỗ trợ phát triển SXKD từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua NHCSXH với những ưu đãi về điều kiện, thủ tục, mức vay, lãi suất cho vay…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chử Xuân Dũng cho biết: UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan liên quan quan tâm gắn tín dụng chính sách xã hội với nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội tiếp tục thực hiện có hiệu quả những chương trình tín dụng đã và đang triển khai trên địa bàn; thường xuyên quan tâm triển khai có chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm vốn tín dụng chính sách sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, ý nghĩa kinh tế - xã hội, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội, Phạm Văn Quyết, chỉ tiêu kế hoạch thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP được phân bổ là 206,3 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn vốn được giao, chi nhánh đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan trình UBND thành phố phân bổ vốn cho vay đến các quận, huyện, thị xã và chỉ đạo các Phòng giao dịch NHCSXH quận, huyện phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ và giải ngân cho vay. Đồng thời, chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để các chính sách sau khi được ban hành sớm triển khai trong thực tiễn. Đến ngày 17.5, chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã giải ngân được hơn 51,7 tỷ đồng cho 924 khách hàng vay vốn.
Cụ thể, các chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 - 2023), gồm: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; Cho vay đối với HSSV để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; Cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất một tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch.
“Cần câu sớm cho cá”
Tại Điểm giao dịch xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, bà Nguyễn Thị Hoan ở thôn Phú Tàng phấn khởi khi được vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách để cải tạo chuồng trại chăn nuôi bò thịt. “Đợt này gia đình tôi rất may mắn khi được Nhà nước hỗ trợ 2% lãi suất trong 2 năm, giúp chúng tôi giảm bớt gánh nặng trả lãi hàng tháng. Mong rằng, nguồn vốn vay này sẽ giúp gia đình tôi tạo việc làm, tăng thu nhập và có nguồn vốn hoàn trả cho Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sóc Sơn đúng hạn sau 3 năm”, bà Hoan chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Phú, Lê Thị Trần Nhung cho biết: Địa phương là một xã phần lớn người dân làm nông nghiệp và còn nhiều khó khăn, nguồn vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đã được bổ sung rất kịp thời, động viên, trợ lực, tạo sinh kế, góp phần phục hồi kinh tế cho người dân sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Người vay vốn giải quyết việc làm giải ngân đợt này không chỉ được hỗ trợ vốn, còn được hỗ trợ 2% lãi suất trong 2 năm. Do đó, người dân rất phấn khởi, tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước.
Là hộ đầu tiên trên địa bàn huyện Thạch Thất đăng ký vay vốn theo chương trình cho vay đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập, ông Khuất Quang Tính ở thôn Cẩm Bào, xã Cẩm Yên có mặt từ rất sớm tại buổi giao dịch lưu động của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thạch Thất để chờ đến lượt giải ngân. Gia đình ông Tính thuộc diện khó khăn, có hai con là Khuất Thị Yến (sinh năm 2004) và Khuất Quang Đức (sinh năm 2011), khi được cán bộ xã phổ biến về gói vay để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến, ông vô cùng mừng rỡ và mong muốn được đăng ký ngay khoản vay 20 triệu đồng để mua 2 máy tính cho 2 con.
Với mức vay này, mỗi tháng, gia đình ông Tính trả tiền gốc và lãi khoảng hơn 600 nghìn đồng, trong vòng 36 tháng. “Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thạch Thất hướng dẫn về hồ sơ vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay, kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ, gia hạn trả nợ… rất tận tình, hồ sơ thủ tục đơn giản, dễ thực hiện và nhanh chóng được giải ngân ngay khi đầy đủ hồ sơ”, ông Tính cho biết.
Thời gian tới, chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến các gói vay hỗ trợ đến người dân, đồng thời, giải ngân nhanh chóng nguồn vốn đến với khách hàng có nhu cầu, không để ứ đọng nguồn vốn và đảm bảo giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn kịp thời ổn định chỗ ở, trang trải học tập, phục hồi lao động sản xuất, dịch vụ kinh doanh buôn bán nhỏ, góp phần phục hồi kinh tế theo tinh thần của Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Bài và ảnh Phương Nga

Các tin bài khác