Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Hoàng Trung Dũng - Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh; Đỗ Thị Thu Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam; Huỳnh Văn Thuận - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH và đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh Hà Tĩnh.
Phát huy hiệu quả 17 chương trình tín dụng
Triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu cả hệ thống chính trị cùng tham gia, xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đến ngày 31/7/2022, tổng nguồn vốn hoạt động của chi nhánh đạt hơn 5.634 tỷ đồng, tăng 23,7 lần so với năm 2003, đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tổng dư nợ đến 31/7/2022 là hơn 5.584 tỷ đồng (tăng 30,2 lần so với khi mới thành lập) với 103.205 khách hàng còn dư nợ.
Từ 2 chương trình tín dụng cho vay thời điểm mới thành lập, đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng với doanh số cho vay trong 20 năm đạt hơn 18.000 tỷ đồng với gần 794 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Đến nay, toàn tỉnh có 52 tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, 733 tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và 3.118 Tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia ủy thác, cùng phối hợp hiệu quả với NHCSXH triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng.
Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần tạo việc làm cho gần 115 nghìn lao động; hàng nghìn hộ thoát ngưỡng đói nghèo, trên 45 nghìn hộ cải thiện đời sống; gần 47 nghìn hộ có chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn; 2.473 lao động đi làm việc ở nước ngoài; trên 127 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 200 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; xây dựng, sửa chữa trên 10 nghìn nhà ở cho hộ nghèo, 802 nhà chòi hộ nghèo tránh lũ; khôi phục, phát triển một số ngành nghề truyền thống…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá về vai trò chỉ đạo triển khai tín dụng chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội; giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, xử lý nợ quá hạn; tính hiệu quả, nhân văn của chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Cùng đó, đề xuất các giải pháp thực hiện tốt phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng giai đoạn tiếp theo.
Tăng cường kiểm tra, giám sát các chương trình tín dụng trên địa bàn
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đánh giá cao hoạt động của chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh, sự năng nổ, nhiệt tình của các cấp tổ chức chính trị - xã hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc phát huy cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục khảo sát, tạo điều kiện để các địa phương, cá nhân được tiếp cận nguồn vốn vay, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, góp phần cùng với tỉnh hoàn thiện các tiêu chí để đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới vào năm 2025; tham mưu Trung ương tạo điều kiện cho Hà Tĩnh tiếp tục được tiếp cận các nguồn vốn chính sách lớn với các chính sách ưu đãi để tỉnh tiếp tục triển khai chương trình nhà ở xã hội.
Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với NHCSXH bằng các hoạt động cụ thể. Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp tiếp tục đổi mới hoạt động trong chỉ đạo, triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát các chương trình tín dụng trên địa bàn. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tuyên truyền để các đối tượng được hưởng nguồn vốn vay và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ để nhiều người được vay, đảm bảo an toàn nguồn vốn.
Thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến năm 2030, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu nguồn vốn, dư nợ tăng trưởng bình quân từ 8 - 10%/năm; đến năm 2025 dư nợ đạt trên 8.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,1% tổng dư nợ; tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt trên 80%; tỷ lệ thu lãi đạt trên 98% lãi phải thu; trên 90% Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, khá; 100% tổ thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm; tổ chức tốt việc giao dịch xã, tỷ lệ giải ngân, thu nợ đạt trên 90%.
Kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải yêu cầu thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, chi nhánh NHCSXH tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương. UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn; chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp NHCSXH lồng ghép các chương trình, các nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên bố trí cân đối ngân sách địa phương chuyển sang ngân hàng để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường kiểm tra, giám sát ở cơ sở; tiếp tục củng cố, chấn chỉnh hội ủy thác cấp xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn. Các cấp hội phải sâu sát cơ sở, hướng dẫn cách thức sử dụng vốn hiệu quả.
Đối với chi nhánh NHCSXH tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương để thực hiện chính sách; nâng cao chất lượng phục vụ; đảm bảo người dân được tiếp cận các dịch vụ tín dụng một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên; tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách, bảo đảm các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách đều được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước
Nhân dịp này, Tổng Giám đốc NHCSXH tặng Giấy khen cho 31 tập thể, 94 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, giai đoạn 2002 - 2022.
Clip tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ
Bài và ảnh Ngọc Loan
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Hành trình 20 năm triển khai vốn tín dụng chính sách tại vùng đất cực Nam Tổ quốc
- » Khi vốn ưu đãi là “chìa khóa” mở cửa thoát nghèo
- » Vốn vay ưu đãi - động lực lớn cho hộ nghèo vươn lên
- » Tín dụng chính sách góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo tại Cao Bằng
- » Dấu ấn 20 năm triển khai tín dụng chính sách tại Cao Bằng (CBTV - 16.8.2022)
- » Tỉnh Lạng Sơn tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ (LSTV - 15.8.2022)
- » Lạng Sơn: Tín dụng ưu đãi đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân
- » Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn: 20 năm đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác (LSTV - 15.8.2022)
- » An cư, lạc nghiệp nhờ vốn chính sách