An cư, lạc nghiệp nhờ vốn chính sách

15/08/2022
(VBSP News) Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78), hơn 2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TP Hà Nội đã phát triển kinh tế ổn định, vươn lên thoát nghèo.
nhcsxh

NHCSXH TP Hà Nội đáp ứng nguồn vốn kịp thời cho 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn

Sát cánh cùng người nghèo, đối tượng chính sách
Gia đình chị Nguyễn Thị Hoài ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy vốn là một hộ nghèo của quận, 2 vợ chồng đều không có công ăn việc làm ổn định, lại có 3 con nhỏ đang tuổi ăn học. Nhưng cuộc sống của gia đình chị đã bước sang trang mới, khi được tiếp cận nguồn vốn vay NHCSXH thông qua Hội Phụ nữ phường Mai Dịch để phát triển kinh tế.
Chia sẻ hành trình thoát nghèo của mình, chị Hoài cho biết, từ đồng vốn ưu đãi được vay, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư mở cửa hàng điện nước. Ban đầu chỉ là một cửa hàng nhỏ, nhưng chị tiếp tục vay thêm vốn tín dụng chính sách để mở rộng buôn bán hàng trăm mặt hàng đồ điện gia dụng. Ngoài ra, gia đình chị còn phát triển thêm dịch vụ lắp đặt, sửa chữa điện nước các công trình dân dụng phục vụ bà con.
Thu nhập bình quân của gia đình chị đạt từ 50 - 60 triệu đồng/tháng. “Từ bản thân mình, tôi nhận thấy, để thoát nghèo, ngoài sự quyết tâm, kiên trì của từng gia đình, thì rất cần đến sự sát cánh từ các chính sách của Đảng và Nhà nước, đối với gia đình tôi là Nghị định 78 của Chính phủ”, chị Nguyễn Thị Hoài chia sẻ.
Ông Đỗ Hồng Việt ở phường Hàng Bột, quận Đống Đa cũng là một trong những hộ thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi. Trong căn hộ chung cư khang trang được mua từ nguồn vốn vay nhà ở xã hội, ông Việt xúc động chia sẻ: “Nguồn vốn vay này thực sự vô cùng quý giá với gia đình tôi nói riêng và những người lao động thu nhập thấp có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở nói chung. Đây đúng là phao cứu sinh cho người nghèo”.
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội, sau 20 năm triển khai, UBND thành phố tập trung huy động được các nguồn lực tài chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và đối tượng chính sách khác thông qua NHCSXH. Trong 20 năm qua, có hơn 2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố được vay vốn với tổng số tiền là 42.538 tỷ đồng để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ 334 tỷ đồng, đến nay, chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt 12.773 tỷ đồng với gần 255 nghìn khách hàng vay vốn, tăng 12.439 tỷ đồng, gấp 38,2 lần so với thời điểm nhận bàn giao. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ SXKD là 10.177 tỷ đồng, chiếm 80% tổng dư nợ; dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ đời sống là 2.596 tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ.
Mở rộng đối tượng, tăng quy mô vốn vay
Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn của TP Hà Nội, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện được tiếp cận đồng vốn tín dụng một cách thuận lợi, kịp thời; giúp 243.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 808.000 lao động; hơn 148.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo 775.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn và 11.300 ngôi nhà cho hộ nghèo; hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, giúp người nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chia sẻ về những khó khăn khi triển khai Nghị định 78, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH kiêm Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh cho biết: Hà Nội dân số đông, mặc dù được Trung ương và UBND thành phố quan tâm bổ sung hàng năm nhưng nguồn vốn chỉ đáp ứng một phần nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong khi đòi hỏi về vốn để hỗ trợ tạo việc làm còn rất lớn.
Đặc biệt, những năm gần đây, dịch COVID-19, thiên tai, dịch bệnh gia súc gia cầm, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động SXKD của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tác động tiêu cực đến việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Để khắc phục, chi nhánh đã thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn vốn tín dụng chính sách, kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ vay vốn. Mặt khác, tập trung huy động các nguồn lực, nhất là nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách thành phố, quận, huyện, thị xã để kịp thời cho vay hỗ trợ người dân trên địa bàn phục hồi SXKD, ổn định cuộc sống.
Thời gian tới, dự báo tình hình chính trị, kinh tế còn nhiều khó khăn thách thức, hơn ai hết, những người nghèo và các đối tượng chính sách khác là những người yếu thế và gặp nhiều khó khăn nhất. Vì vậy, hoạt động chính sách xã hội cũng phải được quan tâm hơn nữa để triển khai phù hợp với điều kiện mới.
Trước thực tế này, Phó Tổng Giám đốc kiến nghị Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội bổ sung nguồn vốn phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, cho vay giải quyết việc làm, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn… Bên cạnh đó, đề nghị các Sở, ban, ngành, hội đoàn thể, cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp với NHCSXH tham mưu UBND thành phố bố trí vốn ủy thác sang để cho vay thực hiện các chương trình theo chỉ đạo của Thành ủy; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đề xuất với các cấp, các ngành liên quan bổ sung, chỉnh sửa cơ chế, chính sách sao cho phù hợp thực tiễn.

Bài và ảnh Phương Nga

Các tin bài khác