NHCSXH tỉnh Lạng Sơn 20 năm đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác

13/08/2022
(VBSP News) 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78), nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã đến với người dân là hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Qua đó, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
lang son

Cán bộ NHCSXH giải ngân vốn cho bà con tại Điểm giao dịch xã Hữu Kiên

Gia đình bà Hoàng Thị Toan là một trong những hộ nghèo ở thôn Táp Già, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn, thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào lúa, ngô. Năm 2017, được Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn, cán bộ phụ nữ xã cùng cán bộ NHCSXH huyện Bắc Sơn tuyên truyền, hướng dẫn các thủ tục vay vốn, bà Toan đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản.
Bà Toan cho biết: Nhờ có vốn vay ưu đãi và áp dụng kỹ thuật chăn nuôi nên đàn bò của gia đình phát triển tốt, sau 3 năm gia đình đã trả được nợ ngân hàng và có tiền cung cấp cho các con đi học. Năm 2020, gia đình bà tiếp tục vay 50 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư chăn nuôi trâu vỗ béo. Nhờ đó, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định từ 100 - 120 triệu đồng/năm.
Không chỉ gia đình bà Toan, thời gian qua, với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, trong 20 năm qua, NHCSXH đã thực hiện hiệu quả Nghị định 78 của Chính phủ, nguồn vốn đã phủ sóng đến 100% thôn, bản, khối phố, giúp hàng chục nghìn gia đình thoát nghèo. Từ 3 chương trình cho vay ban đầu, đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh đang thực hiện 17 chương trình tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ hơn 3.854 tỷ đồng, tăng hơn 3.397 tỷ đồng, gấp 19,1 lần so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 17%/năm, với 65.989 hộ còn dư nợ.
Trong 20 năm qua, nguồn vốn chính sách đã giúp gần 45 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân trên 3%/năm; tạo việc làm cho hơn 28 nghìn lao động; 31 nghìn HSSV được vay vốn đi học; trên 128 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng, 7,9 nghìn ngôi nhà được sửa chữa, cải tạo, xây dựng; hỗ trợ 44 doanh nghiệp và cơ sở giáo dục vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 1,8 nghìn lượt lao động; hỗ trợ 07 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay vốn để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19.
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, NHCSXH đã ký kết văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hợp đồng ủy nhiệm với Tổ tiết kiệm và vay vốn làm cơ sở pháp lý để thực hiện; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt phương thức cho vay ủy thác. Hiện nay, 100% tổ chức hội cấp huyện và 746/800 tổ chức hội cấp xã nhận ủy thác với NHCSXH. Đến nay, tổng dư nợ uỷ thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đến ngày 31/7/2022 là 3.576 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ của NHCSXH.

lang son 2

Mô hình trồng cây ăn quả của hộ vay ở xã Nhật Tiến nhờ vay vốn chính sách

Ngoài ra, hằng năm, NHCSXH tỉnh và NHCSXH các huyện, thị xã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các đối tượng ngoài ngành liên quan đến hoạt động NHCSXH để phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, kỹ năng quản lý nguồn vốn, kỹ năng kiểm tra giám sát, nâng cao chất lượng ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội và hoạt động của Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong 20 năm qua, đã tập huấn được 4.520 lượt Chủ tịch UBND cấp xã và Trưởng Ban giảm nghèo cấp xã; 9.640 lượt lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã; 51.310 lượt thành viên Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn; 22.680 lượt Trưởng các thôn, bản, khu phố.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn Trần Việt Sơn cho biết: Tiếp nối hành trình 20 năm đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ đó tuyên truyền về các chương trình cho vay của Chính phủ. Qua đó giúp thêm nhiều hộ nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Qua 20 năm triển khai Nghị định 78 của Chính phủ tại tỉnh Lạng Sơn có thể khẳng định, tín dụng chính sách xã hội là hướng đi đúng đắn, là “điểm sáng” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Với mô hình quản lý vốn như hiện nay đã thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia vào chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Bài và ảnh Kim Huyên

Các tin bài khác