Hiệu quả tín dụng chính sách ở Sơn La

13/08/2022
(VBSP News) Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78), 20 năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La đã khẳng định vai trò “bà đỡ” cho người dân, trong công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
son la

Nông dân xã Mường Trai, huyện Mường La sử dụng nguồn vốn vay chính sách đầu tư nuôi bò nhốt chuồng

Cùng cán bộ NHCSXH huyện Bắc Yên đến thăm mô hình kinh tế của gia đình anh Mùa A Tráng ở bản Tà Xùa, xã Tà Xùa - một trong những hội viên nông dân thoát nghèo từ vay vốn phát triển sản xuất. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Tráng kể: “Ngày mới ra ở riêng, tôi cũng trăn trở với bao câu hỏi làm gì để thay đổi cuộc sống? Làm gì để thoát nghèo, làm giàu? Nhưng do thiếu vốn sản xuất nên cứ luẩn quẩn với cái nghèo. Được sự giúp đỡ của Hội Nông dân, tôi được tư vấn vay vốn, đi học hỏi kinh nghiệm của những người đã thành công, được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Năm 2015, tôi vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện Bắc Yên mua 4 cặp bò mẹ con. Đến năm 2019, đàn bò đã phát triển lên 25 con; tôi bán 15 con và vay thêm 100 triệu đồng của NHCSXH huyện để đầu tư homestay phát triển du lịch, tạo việc làm ổn định cho 2 vợ chồng và 2 nhân công ở bản”.
Không chỉ tiếp sức cho hộ nghèo thoát nghèo, những năm gần đây, nguồn vốn tín dụng còn trở thành bà đỡ cho nhiều ý tưởng khởi nghiệp. Năm 2017, nhận thấy tiềm năng tại vùng lòng hồ Quỳnh Nhai, 7 thành viên đều là thanh niên trên địa bàn đã cùng nhau thành lập HTX Quỳnh Nhai Travel, sau này là Công ty cổ phần Quỳnh Nhai Travel để tổ chức tour du lịch tham quan, khám phá, trải nghiệm trên vùng lòng hồ. Hiện, mỗi tháng mô hình du lịch này thu hút khoảng 1.000 khách tham gia, doanh thu khoảng hơn 100 triệu đồng mỗi tháng.
Thành công của Quỳnh Nhai Travel có dấu ấn đậm nét của NHCSXH, khi năm 2018, 7 thành viên được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH với số tiền 350 triệu đồng (50 triệu đồng/thành viên) để đầu tư tàu du lịch 2 tầng đầu tiên trên lòng hồ thủy điện. Sau đó, Công ty mở rộng thêm dịch vụ nhà hàng, ăn uống. Năm 2020, Công ty tiếp tục được vay thêm 100 triệu đồng từ nguồn vốn “Tiết kiệm vì tương lai xanh”. Nguồn vốn đã giúp HTX thanh niên nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo thêm việc làm cho 5 lao động là thanh niên nông thôn, góp phần thúc đẩy và phát triển du lịch địa phương.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hoàng Xuân Trường cho biết: Xác định rõ tầm quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh, các Sở, ban, ngành thực hiện các giải pháp để huy động, quản lý, điều hành nguồn vốn tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, hỗ trợ lãi suất cho lao động tại địa phương.
20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách của chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La đã trở thành điểm tựa cho người nghèo vươn lên. Đến nay, chi nhánh đang triển khai thực hiện 17 chương trình tín dụng với tổng dư nợ trên 5.430 tỷ đồng, tăng trên 5.300 tỷ đồng so với khi mới thành lập với trên 122.000 khách hàng đang còn dư nợ, chiếm 41,6% tổng số hộ dân trong tỉnh. Bên cạnh nguồn vốn Trung ương, chi nhánh còn tham mưu cấp ủy, chính quyền chuyển nguồn vốn địa phương sang NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến cuối tháng 6/2022, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH cho vay đạt trên 172 tỷ đồng.
Song hành với công tác huy động nguồn lực lớn, chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La đã xây dựng mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa bàn. Nổi bật là việc cùng 4 tổ chức chính trị - xã hội ký kết hợp đồng ủy thác cho vay vốn chính sách, chung tay giúp dân vay vốn chính sách phát triển sản xuất, giảm nghèo nhanh, nâng cao cuộc sống. Đến hết tháng 6/2022, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tham gia quản lý trên 5.423 tỷ đồng, chiếm 99,87% tổng dư nợ. Qua đó, hoạt động tín dụng chính sách ở cơ sở được quản lý hiệu quả, việc bình xét cho vay, giám sát việc sử dụng vốn vay được thực hiện dân chủ, công khai từ cơ sở, có sự tham gia giám sát của người dân, người vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả.
“Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, việc triển khai thực hiện hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách 20 năm qua trên địa bàn tỉnh Sơn La là minh chứng rõ nét khẳng định sự đúng đắn, tính nhân văn của chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn tín dụng chính sách là nguồn lực quan trọng, hiệu quả trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Bài và ảnh Nguyễn Yến

Các tin bài khác