Hà Nội bảo đảm an sinh xã hội từ nguồn vốn chính sách
Nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng chính sách
Phóng viên: Bà có thể chia sẻ nội dung chính trong Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác?
Trả lời: Ngày 04/10/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và cam kết trước cộng đồng quốc tế về xóa đói giảm nghèo. Cùng với quy định chung về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Nghị định thể hiện việc Nhà nước huy động, sử dụng các nguồn lực tài chính cho người nghèo và đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội. Nghị định còn có các quy định về cho vay, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện tín dụng đối với người nghèo, đối tượng chính sách và điều khoản thi hành.
Phóng viên: Sau 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa bà?
Trả lời: Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị - xã hội, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt nhiều kết quả nổi bật.
Một là, thành phố tập trung huy động được các nguồn lực tài chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và đối tượng chính sách khác thông qua NHCSXH. Trong 20 năm qua, hơn 2 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách của thành phố được vay vốn với số tiền 42.538 tỷ đồng để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Hai là, thành phố đã chỉ đạo triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác đạt hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ 334 tỷ đồng, đến nay, chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt 12.773 tỷ đồng với gần 255 nghìn khách hàng vay vốn, tăng 12.439 tỷ đồng, gấp 38,2 lần so với thời điểm nhận bàn giao. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh là 10.177 tỷ đồng, chiếm 80%; dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ đời sống là 2.596 tỷ đồng, chiếm 20%.
Ba là, nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn của thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện được tiếp cận đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, giúp 243.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 808.000 lao động; giúp hơn 148.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo 775.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn và 11.300 ngôi nhà cho hộ nghèo; hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, giúp người nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo
Phóng viên: Sự vào cuộc của thành phố Hà Nội trong chỉ đạo chi nhánh NHCSXH triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ra sao, thưa bà?
Trả lời: Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động của NHCSXH; tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội thông qua các nội dung cụ thể, như: Bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay; hỗ trợ về trụ sở, kinh phí hoạt động, trang thiết bị; rà soát, xác nhận đối tượng vay vốn… Nhờ đó, hoạt động tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả. Thành phố, các quận, huyện, thị xã đã bố trí ngân sách chuyển 6350 tỷ đồng qua NHCSXH để ủy thác cho vay; 100% quận, huyện, thị xã chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH…
Phóng viên: Bà có thể cho biết những khó khăn, vướng mắc của chi nhánh NHCSXH trong quá trình triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP?
Trả lời: Thuận lợi là cơ bản, tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP vẫn còn một số khó khăn. Hà Nội dân số đông, mặc dù được Trung ương và thành phố quan tâm bổ sung hằng năm nhưng nguồn vốn chỉ đáp ứng một phần nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và đối tượng chính sách trong khi đòi hỏi về vốn để hỗ trợ tạo việc làm còn rất lớn.
Những năm gần đây, dịch cúm gia cầm, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, đối tượng chính sách, tác động tiêu cực đến việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Để khắc phục, chi nhánh thành phố phải thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn vốn tín dụng chính sách, kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ gia đình vay vốn. Mặt khác, phải tập trung huy động các nguồn lực, nhất là nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách thành phố, quận, huyện, thị xã để kịp thời cho vay hỗ trợ người dân trên địa bàn phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Phóng viên: Từ kết quả thực hiện trong 20 năm qua, ở góc độ đơn vị triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, bà có kiến nghị gì?
Trả lời: Để thực hiện tốt Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đề nghị Thành ủy, HĐND và UBND thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; hằng năm bổ sung nguồn vốn phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cho vay giải quyết việc làm, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn… Chúng tôi cũng đề nghị các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp với NHCSXH tham mưu UBND thành phố bố trí vốn ủy thác sang NHCSXH thành phố để cho vay thực hiện các chương trình theo chỉ đạo của Thành ủy; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đề xuất với các cấp, các ngành liên quan bổ sung, chỉnh sửa cơ chế, chính sách sao cho phù hợp thực tiễn.
Trân trọng cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn này!
Đỗ Minh (Hanoimoionline)
Các tin bài khác
- » Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm việc với Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa
- » Thông báo tuyển dụng lao động năm 2022
- » Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân
- » Giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » 20 năm đồng hành với người nghèo huyện Ba Vì
- » Chỗ dựa tin cậy của hộ nghèo ở huyện miền núi Đoan Hùng
- » Tín dụng chính sách đồng hành cùng người nghèo biên giới Lộc Ninh
- » Hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Gia Bình
- » Huyện Thanh Bình tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng chính sách
- » Hiệu quả tín dụng chính sách - Nhìn từ miền biển Thái Thụy