Giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn vay ưu đãi
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Minh Hưng cho biết: Ngay sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Từ đó, đưa công tác lãnh, chỉ đạo hoạt động tín dụng vào chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên của địa phương. Đồng thời, quan tâm chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Năm 2022 đánh dấu những bước ngoặt quan trọng trong thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đặc biệt, sự tăng trưởng mạnh mẽ của vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để thực hiện cho vay. Đây là sự gắn bó song hành giữa cấp ủy, chính quyền và NHCSXH trong nỗ lực rút ngắn hành trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Ngay từ đầu năm 2022, vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH đạt 32 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần so với năm 2021 và là năm cao nhất kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40. Đến nay, tổng dư nợi nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đạt gần 100 tỷ đồng.
Thời gian đầu thành lập, chi nhánh triển khai 3 chương trình tín dụng (cho vay đối với hộ nghèo, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động). Đến năm 2006, tiếp tục triển khai thêm cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn và NS&VSMTNT. Hiện nay, chi nhánh đã triển khai 22 chương trình tín dụng chính sách; trong đó, có một số chương trình mới được triển khai nhằm hỗ trợ vay vốn để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Gia đình chị Bùi Thị Ứn ở xóm Dệ, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, cách đây 6 năm thuộc diện khó khăn nhất của xóm. Nhà cửa tạm bợ, không đủ che mưa, che nắng; kinh tế khó khăn vì không có vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Trong lúc loay hoay với bao nỗi lo toan, gia đình chị Ứn đã được tiếp cận vốn chính sách cho vay làm nhà ở và vay vốn phát triển kinh tế. Sau khi được vay vốn, gia đình chị đã làm được căn nhà mới chắc chắn và mua được trâu về chăn nuôi. Nhờ đó, chị đã khơi dậy ý chí phấn đấu để thoát nghèo, vừa có tiền trả nợ ngân hàng, vừa có thu nhập và nuôi dạy con cái học hành.
Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Dệ Nguyễn Văn Quảng cho biết: Trước đây bà con trong xóm không có vốn để đầu tư phát triển kinh tế nên đa số là hộ nghèo, nhà cửa tạm bợ, đồi rừng bỏ hoang. Từ khi được vay vốn ưu đãi, có hộ mua trâu, bò chăn nuôi và trồng mía, trồng cam phát triển kinh tế. Sau này, bà con tiếp tục được vay thêm các chương trình khác để làm nhà ở, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh nên đời sống người dân được cải thiện từng ngày.
Giám đốc NHCSXH huyện Cao Phong Đặng Hoàng Hoán cũng cảm nhận rõ sự phấn khởi của những hộ nghèo và các trường hợp chính sách khi được vay vốn với lãi suất ưu đãi. NHCSXH huyện đã triển khai đa dạng chương trình cho vay nên một hộ dân có thể vay đồng thời nhiều món cùng lúc (nếu thuộc đúng trường hợp thụ hưởng) hoặc vẫn tiếp tục được vay vốn sau khi mới thoát nghèo để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, ranh giới giữa nghèo và không nghèo rất mong manh nên Đảng, Nhà nước tiếp tục triển khai thêm nhiều chương trình tín dụng chính sách mới như: cho vay hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ SXKD vùng khó khăn… Như vậy, công cuộc giảm nghèo địa phương có giá trị bền vững hơn.
Theo báo cáo, tính đến hết tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đạt trên 4.000 tỷ đồng, với trên 112 nghìn khách hàng còn dư nợ. Doanh số cho vay đạt trên 1.000 tỷ đồng, giúp trên 25.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn đầu tư phát triển SXKD.
Nguồn vốn ưu đãi đã giúp trên 600 nghìn hộ dân được vay vốn, hơn 100 nghìn hộ thoát nghèo, gần 200 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; trên 36.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để phục vụ học tập; trên 30.000 lao động được tạo việc làm và trên 20.000 hộ nghèo được vay vốn làm nhà ở, hơn 1.000 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Đây là chủ trương đúng đắn, chính sách nhân văn và là đòn bẩy quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, nhất là với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Hòa Bình. Từ những hộ dân loay hoay trong vòng xoáy của đói nghèo, vốn chính sách được trao tay đã giúp họ tìm được hướng đi cho hành trình vượt khó.
Bài và ảnh Vũ Hà
Các tin bài khác
- » 20 năm đồng hành với người nghèo huyện Ba Vì
- » Chỗ dựa tin cậy của hộ nghèo ở huyện miền núi Đoan Hùng
- » Tín dụng chính sách đồng hành cùng người nghèo biên giới Lộc Ninh
- » Hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Gia Bình
- » Huyện Thanh Bình tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng chính sách
- » Hiệu quả tín dụng chính sách - Nhìn từ miền biển Thái Thụy
- » Động lực giúp Quỳnh Lưu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới
- » 20 năm tín dụng chính sách đồng hành cùng huyện nghèo Quỳ Châu
- » Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới
- » Lịch sử Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7