Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới

28/07/2022
(VBSP News) Cùng với các nguồn lực đầu tư hỗ trợ khác, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH TP Sa Đéc (Đồng Tháp) được xem là động lực quan trọng góp phần giúp các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách còn là “đòn bẩy” quan trọng để địa phương hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trong những năm qua.

NHCSXH TP Sa Đéc giải ngân vốn cho người dân tại Điểm giao dịch xã

NHCSXH TP Sa Đéc giải ngân vốn cho người dân tại Điểm giao dịch xã

Theo báo cáo của NHCSXH TP Sa Đéc, trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, đã có trên 49.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn chính sách thông qua 14 chương trình tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ đạt trên 297 tỷ đồng. Nhờ đó, công tác giảm nghèo đạt kết quả quan trọng, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ học nghề, tìm việc làm, phát triển ngành nghề nông thôn, vay vốn, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở. Đến nay, toàn thành phố còn 678 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,18%; 998 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,2% theo chuẩn Nghị định 07/2021/NĐ-CP, vượt kế hoạch đề ra.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đáp ứng hầu hết các nhu cầu giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bộ phận dân cư có mức sống thấp (trên 16.000 lượt hộ nghèo được vay vốn). Cụ thể, hơn 6.800 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 4.000 lao động, 3.450 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, gần 8.000 công trình NS&VSMTNT được hỗ trợ xây mới và cải tạo… Từ đó, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong một bộ phận dân cư, giúp họ sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Riêng đối với địa bàn 03 xã đang xây dựng nông thôn mới là xã Tân Khánh Đông, Tân Phú Đông và Tân Quy Tây, NHCSXH TP Sa Đéc luôn tăng cường nguồn vốn, nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách để góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Bên cạnh việc góp phần nâng cao đời sống của người dân, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, khôi phục và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới, góp phần giải quyết việc làm cho người nghèo lao động ở nông thôn. Nhờ đó, đến cuối năm 2017, thành phố Sa Đéc là đơn vị cấp huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với nhiều chỉ tiêu hoàn thành ở mức cao, như: thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn, số hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh…

Hiệu quả từ tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố từ 19 triệu đồng/người/năm (năm 2002) lên gần 60 triệu đồng/người/năm (năm 2022), đời sống của người dân đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện, giúp các xã xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt tiêu chí về thu nhập. Năm 2022, TP Sa Đéc duy trì đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Qua rà soát, đánh giá các tiêu chí nông thôn mới 6 tháng đầu năm 2022 theo Quyết định số 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xã Tân Phú Đông đạt 17/19 tiêu chí, xã Tân Khánh Đông đạt 17/19 tiêu chí và xã Tân Quy Tây đạt 15/19 tiêu chí.

Thời gian tới, NHCSXH TP Sa Đéc sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm trên địa bàn. Đặc biệt, thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, gắn việc triển khai tín dụng chính sách với chủ trương, định hướng của địa phương về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp nông thôn. Tập trung ưu tiên vốn đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cũng như quan tâm đầu tư vốn tín dụng chính sách cho các Chương trình, Đề án phục vụ xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, công tác khởi nghiệp… nhằm hỗ trợ các xã nông thôn mới hoàn thành tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Bài và ảnh Đông Xuân - Ngọc Duy

Các tin bài khác