Hiệu quả tín dụng chính sách - Nhìn từ miền biển Thái Thụy
Sau 20 năm hoạt động, đặc biệt 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Thái Thụy đạt 534,2 tỷ đồng, gấp 14,2 lần so với khi thành lập. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác chuyển sang hơn 9 tỷ đồng, tăng 100% so với thời điểm mới đi vào hoạt động. Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp, chiếm có 0,049% tổng dư nợ. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Thái Thụy giảm còn 2,39% và hộ cận nghèo còn 2,12% tổng số hộ.
Vốn tín dụng đã được đưa đến 100% các khu dân cư, làng xóm ở 36 xã, thị trấn trên địa bàn, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn. Điểm nổi bật thời gian qua là tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị trong huy động mọi nguồn lực, tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào một đầu mối là NHCSXH để cho vay giúp dân phát triển sản xuất kinh doanh cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Cùng với việc tập trung huy động được nguồn lực vốn là sự phối hợp giữa các cấp ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong quá trình quản lý, sử dụng vốn chính sách.
Nhờ sự kết nối, phối hợp hoạt động trong công tác tín dụng chính sách ở Thái Thụy đã kết nối chặt chẽ 4 tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn chung tay chuyển tải vốn kịp thời, thuận lợi đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện đã làm tăng năng lực quản lý tín dụng chính sách của chính quyền cơ sở. Phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được triển khai làm cho việc bình xét vay vốn được công khai, công bằng, đồng thời bảo đảm thu hồi nợ, thu lãi đầy đủ, đúng quy định.
Đặc biệt, từ khi đưa Chỉ thị số 40-CT/TW vào cuộc sống, 343 Tổ tiết kiệm và vay vốn đã được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động và 36 Điểm giao dịch xã duy trì hoạt động định kỳ, phủ rộng khắp các làng quê miền đất biển Thái Thụy, góp phần chuyển tải nguồn vốn chính sách đến đúng, đến đủ, đến kịp thời các đối tượng thụ hưởng.
Gia đình ông Đỗ Đức Thông ở thôn Lỗ Trường, xã Thụy Trường trước đây từng là hộ cận nghèo. Năm 2018, ông Thông được bình xét và cho vay vốn NHCSXH để kinh doanh đá xẻ. Sau 3 năm, gia đình ông đã thoát nghèo và tiếp tục được NHCSXH huyện Thái Thụy cho vay 100 triệu đồng theo chương trình hộ mới thoát nghèo đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, thu hút 5 lao động thường xuyên với thu nhập ổn định 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Cũng như ông Thông, gia đình chị Trần Thị Thanh ở thôn Kiên Thắng, xã Dương Hồng Thủy, trước đây kinh tế gặp rất nhiều khó khăn nhưng từ khi tiếp cận tới nguồn vốn chính sách, chị đã phát triển mô hình VAC, chăm lo con cái học hành chu đáo để từng bước vươn lên thoát nghèo có của ăn của để, được địa phương bình chọn là tấm gương phụ nữ đảm đang, sản xuất giỏi.
Theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Thái Thụy Nguyễn Xuân Thọ, 20 năm qua, đã có 110 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được vay vốn phát triển kinh tế, trong đó tạo việc làm mới và thu nhập ổn định cho trên 4.000 lao động, 2.143 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, 361 ngôi nhà của hộ nghèo được xây dựng, sửa chữa kiên cố… Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người dân có điều kiện vươn lên, thực hiện khát vọng giảm nghèo, dựng xây cuộc sống mới.
Thời gian tới, NHCSXH huyện Thái Thụy sẽ phát huy thành tích đạt được, tiếp tục hoạt động hiệu quả, năng động hơn, thực sự khẳng định vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Minh Uyên
Các tin bài khác
- » Động lực giúp Quỳnh Lưu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới
- » 20 năm tín dụng chính sách đồng hành cùng huyện nghèo Quỳ Châu
- » Lịch sử Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7
- » NHCSXH gặp mặt cán bộ hưu trí qua các thời kỳ
- » Nguồn vốn chính sách tại Hậu Giang (Bài cuối - Góp phần phát triển kinh tế - xã hội)
- » Nguồn vốn chính sách tại Hậu Giang (Bài 1 - Hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo)
- » Sâu nặng nghĩa tình đồng đội
- » Đồng Tháp tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Gần 14 nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách khác huyện Lấp Vò được vay vốn ưu đãi
- » Tín dụng chính sách thay đổi diện mạo huyện cửa ngõ Cù lao Minh