Hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Gia Bình

28/07/2022
(VBSP News) Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, 20 năm qua, các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được huyện Gia Bình (Bắc Ninh) triển khai rộng rãi. Nguồn vốn chính sách góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
2a

Cán bộ NHCSXH huyện Gia Bình giao dịch với người dân tại Điểm giao dịch xã Quỳnh Phú

Gắn kết giữa chính quyền, NHCSXH và nhân dân
Sau 20 năm hoạt động, mô hình tổ chức của NHCSXH huyện được quan tâm hoàn thiện phù hợp với thực tiễn gồm Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện và bộ máy điều hành là các phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Việc thực hiện giao dịch tại 13/13 trụ sở UBND cấp xã, cùng 236 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại các địa phương góp phần công khai được các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục của NHCSXH. Người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày cố định hàng tháng để nhận vốn vay, trả nợ trước sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và chính quyền địa phương. Qua đó, tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH.
Chính quyền cơ sở có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân. Trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong tất cả các khâu từ bình xét, cho vay, sử dụng vốn, thu hồi nợ đến hạn được nâng cao rõ rệt. Có thể nói, mô hình “Điểm giao dịch” của hệ thống NHCSXH đặt tại các xã là đặc thù riêng, bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính đã và đang phát huy tối đa hiệu quả.
Phương thức cho vay chủ yếu là ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Đây cũng là phương thức thể hiện tính ưu việt riêng của hệ thống NHCSXH, đến hết tháng 6/2022, dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Gia Bình đạt 341,2 tỷ đồng, chiếm 91,4% tổng dư nợ, với hơn 8.400 khách hàng đang vay vốn.
Trong 20 năm thực hiện chương trình tín dụng chính sách, huyện Gia Bình có hơn 74.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, góp phần giúp hơn 20 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho 7.841 lao động; hơn 11.000  lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập; hơn 300 hộ nghèo được hỗ trợ vốn để xây dựng nhà ở; xây dựng mới, sửa chữa hơn 23.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,… Thông qua chương trình tín dụng gắn với các chương trình phát triển kinh tế ở địa phương có vai trò tích cực trong việc duy trì, bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống; như: Nghề mây tre đan ở xã Xuân Lai, nghề đúc đồng ở xã Đại Bái, nghề may mặc ở xã Lãng Ngâm…
Nguồn vốn kịp thời đến đúng đối tượng

2

Nguồn vốn chính sách hỗ trợ người dân xã Đại Bái phát triển nghề truyền thống

Cùng với nguồn vốn từ Trung ương cấp, đơn vị khai thác, huy động các nguồn lực tài chính khác tại địa phương, đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH huyện đạt hơn 421,8 tỷ đồng, tăng 19,8 lần so với năm 2002. Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu (cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm), đến nay, NHCSXH huyện thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng với  tổng dư nợ đạt 373,1 tỷ đồng, tăng 17,5 lần so với khi mới thành lập.
Kết quả này khẳng định sự nỗ lực của NHCSXH huyện trong việc kịp thời đưa đồng vốn chính sách đến với người dân, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khắc phục khó khăn, đẩy mạnh SXKD, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Hàng nghìn lao động có việc làm mới, thu nhập ổn định, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, trả vốn cho ngân hàng đủ, đúng hạn. Nhiều gia đình nhờ được vay lồng ghép 2 đến 3 chương trình vốn của NHCSXH tạo đòn bẩy phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Điển hình hộ ông Nguyễn Sỹ Thời ở thôn Trung Thành, xã Đại Lai, năm 2015, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân được vay 50 triệu đồng chương trình vốn hộ nghèo để phát triển mô hình VAC tổng hợp. Có vốn, kết hợp cần cù trong lao động, sản xuất đến nay gia đình ông đã thoát nghèo và tiếp tục được ngân NHCSXH cho vay 50 triệu đồng vốn chương trình giải quyết việc làm để mở rộng quy mô trang trại. Với gần 1,6 mẫu đất, gia đình ông quy hoạch trang trại thường xuyên nuôi 300 ngan đẻ, 50 con lợn thịt, 2 ao cá, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động. Trừ chi phí, trang trại gia đình ông cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.
Hay như gia đình bà Ngô Thị Chinh ở thôn Cổ Thiết, xã Giang Sơn nhờ được vay 120 triệu đồng lồng ghép từ 3 chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện (cho vay HSSV, cho vay hộ cận nghèo và cho vay NS&VSMTNT) để mở xưởng may gia công, không chỉ nâng cao thu nhập của gia đình mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2 lao động khác, con gái lớn của chị được theo học đại học.
Ông Lương Trung Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Gia Bình cho biết: Thực hiện Nghị định số 78, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn xác định đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Huyện ủy, UBND huyện chủ động bố trí một phần kinh phí trong dự toán ngân sách để ủy thác đầu tư qua NHCSXH huyện thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương (của tỉnh, huyện) ủy thác sang NHCSXH đạt gần 57,8 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần đưa tổng giá trị sản xuất năm 2021 trên địa bàn huyện Gia Bình đạt hơn 8.200 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho hơn 1.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) giảm còn 1,77%, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Các chương trình tín dụng chính sách đã và đang từng bước cùng chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà cho bước phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Những kết quả đạt được trong 20 năm qua là động lực để NHCSXH huyện Gia Bình củng cố và phát huy những thành quả đạt được, tiếp tục đồng hành cùng người nghèo và đối tượng chính sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hà Linh

Các tin bài khác