20 năm đồng hành với người nghèo huyện Ba Vì

01/08/2022
(VBSP News) Từ 2 chương trình tín dụng ban đầu phát triển lên 13 chương trình với tổng dư nợ đạt 852,6 tỷ đồng, gấp 33,7 lần 20 năm về trước; tốc độ tăng trưởng bình quân là 14,2%/năm; dư nợ bình quân đạt 49,1 triệu đồng/khách hàng, tăng 45,1 triệu đồng so với thời điểm mới thành lập... là những dấu ấn nổi bật trong hành trình 20 năm đồng hành với người nghèo của NHCSXH huyện Ba Vì (TP Hà Nội).
ba vi

NHCSXH huyện Ba Vì luôn bảo đảm nguồn vốn giúp hộ nghèo, cận nghèo có vốn SXKD

Trên 36.800 lượt hộ thoát nghèo
Là người được thụ hưởng chương trình cho vay ưu đãi từ NHCSXH huyện Ba Vì, chị Hoàng Thị Thủy, sinh năm 1974, dân tộc Mường ở thôn Quýt, xã Yên Bài, huyện Ba Vì cho biết: Nguồn vốn từ chương trình cho vay hộ nghèo đã thực sự đưa gia đình chị ra khỏi cảnh nghèo túng dai dẳng.
Năm 1993, chị Thủy lập gia đình và gây dựng cuộc sống với hai bàn tay trắng. Cuộc sống quá khó khăn khi liên tiếp sau đó chị sinh hai con nhỏ. Công việc không ổn định, thu nhập chẳng được là bao, đồng vốn thì không có nên cái nghèo cứ đeo bám suốt. Năm 2008, gia đình chị Thủy được vay 10 triệu đồng từ NHCSXH huyện Ba Vì để mua 1 con bò sữa giống về nuôi. Sau 3 năm, chị đã trả hết nợ nhưng vẫn còn con bò đầu tư ban đầu. Chị tiếp tục vay 2 chu kỳ nữa với số tiền mỗi đợt là từ 20 - 30 triệu đồng. Vốn vay lãi suất thấp, thời gian dài đã giúp gia đình chị phát triển từ 1 con bò ban đầu thành 3 con bò sữa; tạo nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học và trả nợ ngân hàng khi đến hạn. “Chưa dừng lại ở đó, nguồn vốn vay HSSV còn giúp hai con của tôi có điều kiện học lên đại học; mở ra tương lai tươi sáng cho tụi trẻ và cả gia đình”, chị Thủy cho biết thêm.
Chị Nguyễn Thị Yên ở xã Ba Trại cũng không giấu nổi niềm vui khi được hỏi về những nỗ lực thoát nghèo của gia đình. Chị cho biết, cách đây 5 năm, được các tổ chức chính trị - xã hội giúp đỡ cho vay vốn lãi suất thấp và phổ biến kiến thức chăn nuôi nên vợ chồng chị đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà thịt. Mỗi năm nuôi 3 lứa gà, trung bình mỗi lứa khoảng 8.000 con, trừ chi phí tiền lãi thu về 40 triệu đồng/năm. Đây chính là nguồn thu chính giúp gia đình chị thoát nghèo. “Ở Ba Trại hiện có 162 trang trại, nuôi gần 4 triệu gia cầm, trừ chi phí mỗi năm bình quân các trang trại lãi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Chăn nuôi đã trở thành kinh tế mũi nhọn đối với những hộ khó khăn như chúng tôi”, chị Yên cho biết.
Thực tế 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trong huyện; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn, các xã miền núi, xã đảo Minh Châu… Vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của huyện từ 3% năm 2010 xuống còn 0,82% năm 2021. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, đã có hơn 36.800 hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chinh sách có điều kiện tự lực vươn lên, tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập, nâng cao trình độ dân trí, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Luôn có mặt trong mọi khó khăn
Kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Ba Vì đã khẳng định, đây là công cụ hữu hiệu của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc giảm nghèo, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, cũng là dấu mốc thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa NHCSXH đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.
Trong 20 năm, toàn huyện có trên 100 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn chính sách, trong đó có trên 39.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, 191 lượt hộ nghèo là người DTTS thiếu đất sản xuất được vay vốn ưu đãi để chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất. Qua đó, góp phần giúp cho gần 18.700 lượt hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 33.000 lao động, giúp cho trên 16.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng và cải tạo hơn 41.000  công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng 1.600 ngôi nhà cho hộ nghèo, 25 khách hàng vay vốn chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ.
Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, NHCSXH huyện Ba Vì đã kịp thời giải ngân 75 tỷ đồng nguồn vốn của UBND thành phố; giúp trên 1.500 lao động có vốn để tự tạo việc làm, phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống. Thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, NHCSXH huyện đã giải ngân 3 tỷ đồng để cho vay giải quyết việc làm; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị học trực tuyến với tổng số tiền giải ngân là 650 triệu đồng.
Đồng thời, triển khai chương trình cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với số tiền 240 triệu đồng, lãi suất 3,3%/năm; thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Nguồn vốn vay được dùng để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi và duy trì hoạt động.
Giám đốc NHCSXH huyện Ba Vì Hoàng Văn Tứ cho biết: 20 năm qua, cùng với việc tăng trưởng tín dụng, công tác kiểm tra giám sát của các cấp các ngành đối với hoạt động tín dụng chính sách luôn được quan tâm, đã tập trung kiểm tra thực tế tại hộ vay, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót tồn tại. Vì vậy, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn đã giảm từ 1,5% thời điểm bàn giao xuống còn 0,008%, nợ khoanh giảm từ 3,67% xuống còn 0,005% năm 2022. Trong đó, nhiều món nợ khó đòi, quá hạn nhận bàn giao từ trước đây đã được xử lý thu hồi dứt điểm.
Thời gian tới, NHCSXH huyện Ba Vì sẽ tiếp tục sát cánh, phục vụ người khó khăn, giúp họ vươn lên, làm chủ cuộc sống. Cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, ổn định kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Bài và ảnh Bình Nhi

Các tin bài khác